Biến đổi khí hậu gây bất lợi đến năng suất và sản lượng nuôi tôm

06/05/2022

Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi bị tác động lớn bởi biến đổi khí hậu. Ảnh: Pipitpan Lerdpipitpon.

Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ cao, thời tiết thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng nuôi tôm.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2010 - 2020. Đây cũng là 5 năm liên tiếp có nền nhiệt cao nhất trong 140 năm qua. Nguyên nhân được cho là do biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu khiến diện tích băng ở các cực liên tục giảm và nhiệt độ trung bình toàn cầu liên tục tăng.

Ở Việt Nam, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho rằng cần đưa ra bản tin dự báo thiên tai sớm để giúp người nuôi chủ động phòng tránh các hiện tượng cực đoan. Nắng nóng mùa hè thường tập trung tại Tây Bắc Bộ trong tháng Năm, tại Đông Bắc Bộ vào các tháng Năm và Sáu. Khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ sẽ nắng nóng vào khoảng tháng Tư đến tháng Tám.

Ở khu vực Đông Nam Bộ, nắng nóng xuất hiện trong nửa cuối tháng Tư và đầu tháng Năm. Mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng đến muộn hơn so với trung bình, do vậy tình trạng ít mưa và khô hạn còn tiếp diễn đến khoảng cuối tháng 5.

Cần đưa ra bản tin dự báo thiên tai sớm để giúp người dân chủ động phòng tránh các hiện tượng cực đoan. Ảnh: alexeykornylyev.

Tôm là nhóm động vật biến nhiệt, nhiệt độ cơ thể của chúng phụ thuộc vào nhiệt độ nước (môi trường sống), dù chúng có vận động thường xuyên, thì kết quả vận động sinh ra nhiệt không đáng kể. Nhiệt độ nước quá cao hoặc quá thấp đều không thuận lợi cho đời sống của tôm. Nếu nhiệt độ vượt quá giới hạn cho phép có thể dẫn đến tôm chết thậm chí chết hàng loạt do đó mỗi một loài tôm có ngưỡng nhiệt độ khác nhau. Về mùa đông khi nhiệt độ nước giảm xuống 13-14oC, rét kéo dài có thể làm chết tôm càng xanh.

Khi nhiệt độ nước trong ao là 35oC tỷ lệ sống của tôm sú (Penaeus monodon) là 100%, nhưng ở nhiệt độ 37,5oC tôm chỉ còn sống 60%, nhiệt độ 40oC tỷ lệ tôm sống 40%. Nhiệt độ thích hợp nhất là 28 - 32oC đối với tôm sú nuôi thương phẩm. Với tôm lớt (Penaeus merguiensis) ở 34oC tỷ lệ sống 100%; ở 36oC chỉ còn 50% tôm hoạt động bình thường, 5% tôm chết; ở 38oC 50% tôm chết, ở 40oC 75% tôm chết.

Tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) sống ở nhiệt độ nước thích hợp nhất là 25- 32oC, không vượt quá 33,5oC, không thấp dưới 18oC. Nếu vượt ngưỡng cao hay thấp đều ảnh hưởng đến sức khỏe tôm và gây tôm chết hàng loạt. Phía Bắc có một số mô hình nuôi tôm chân trắng qua Đông đạt hiệu quả không cao, một số nông dân nuôi tôm đã nói: “Tính đi lại lãi tính lại thì lỗ…” 

 Nhiệt độ nước quá cao hoặc quá thấp đều không thuận lợi cho đời sống của tôm. Ảnh: Pipitpan Lerdpipitpon.

Sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ (ngay cả trong phạm vi thích hợp) cũng có thể khiến cho tôm bị sốc (stress) mà chết. Trong quá trình vận chuyển, nuôi dưỡng cần chú ý sự hênh lệch nhiệt độ và nhất là sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nếu nhiệt độ chênh lệch 5oC/ngày đêm có thể làm cho tôm bị sốc và chết, tốt nhất không để nhiệt độ chênh lệch quá 3oC, biên độ dao động nhiệt độ trong ngày không quá 3oC. 

Chúng ta phải chú ý khi thời tiết thay đổi như dông bão, mưa rào đột ngột, gió mùa Đông Bắc tràn về làm nhiệt độ nước thay đổi đột ngột dễ gây sốc cho tôm. Hiện tượng tôm chết ở một số tỉnh ven biển do nguyên nhân chính là hiện tượng nhiệt độ không khí đã lên 37- 38oC, thời lượng nắng kéo dài trong ngày cao hơn mức bình thường. Trung bình một ngày, bình thường thời gian nắng kéo dài 5-6 giờ. Nhưng hiện tại số giờ nắng trong ngày kéo dài từ 9-10 giờ.

Dông bão, mưa rào đột ngột dễ gây sốc cho tôm. Ảnh: Jörg Henninger

Do đó thời tiết khắc nghiệt và nóng kéo dài, dẫn đến nhiệt độ nước ở các đầm nuôi tôm cũng tăng cao, chúng đã gây sốc cho tôm làm cho tôm yếu dễ bị bệnh và chết. Những bệnh thường gặp gây nguy hiểm giai đoạn giao mùa là bệnh sốc nhiệt của tôm chân trắng, vượt ngưỡng cao (>33,5oC) hoặc thấp (<18oC) hoặc biên độ biến nhiệt trong ngày đêm vượt quá 3oC; bệnh vi rút đốm trắng (WSSV), bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPN)…

Biện pháp phòng ngừa tôm nuôi trong giai đoạn biến đổi khí hậu: Chấp hành đúng mùa vụ nuôi tôm do Bộ NN&PTNT công bố hàng năm; tôm giống có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm dịch. Hệ thống ao đầy đủ: ao lắng, ao lọc, ao xử lý; ao nuôi có diện tích 1.000-3.000m2, độ sâu nước 1,5-2,0m sẽ đảm nhiệt nước ổn định khi thời tiết biến động. Chú ý khi nhiệt độ không khí >35oC không bật quạt ao nuôi, chỉ bật máy sục khí để nước phân tầng, nhiệt độ tầng mặt cao, nhưng tầng đáy nằm trong giới hạn cho phép. Nuôi tôm theo đúng quy trình của Bộ NN&PTNT ban hành, áp dụng những công nghệ tiên tiến như Biofloc…

Nguồn: Tép Bạc

BÌNH LUẬN

Bài viết khác

X