Tôm càng xanh rớt giá thảm thương

23/08/2021

tôm càng xanh

Do ảnh hưởng từ COVID-19, tôm càng xanh đang gặp khó khăn đầu ra. Ảnh: Báo An Giang.

Ảnh hưởng dịch bệnh COVID khiến tôm càng xanh ngày thường được săn lùng rớt giá mạnh.

Tôm càng xanh đang gặp khó khăn đầu ra

Trong khi tôm sú, tôm thẻ chân trắng được các nhà máy thu mua chế biến xuất khẩu là chính nên việc tiêu thụ có phần thuận lợi hơn. Còn tôm càng xanh chỉ tiêu thụ nội địa và phải thu hoạch, vận chuyển tôm sống tới tay người tiêu dùng nên rất khó khăn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, khó tiêu thụ, giá tôm càng xanh đã giảm mạnh trong những ngày vừa qua.

tôm càng xanh
Giá tôm càng xanh giảm mạnh nhiều ngày qua. Ảnh: Diệp Mỹ Tiên.

Từ đặc sản đắt tiền giờ tôm càng xanh rớt giá mạnh còn 80.000-110.000 đồng/kg thu mua tại ao do khó khăn trong công tác thu mua nhỏ giọt từ các thương lái. Bên cạnh đó, khi thu hoạch tôm càng xanh thường nông dân phải tát cạn vuông và bắt hết một lượt, cần lượng nhân công lớn. Do thực hiện giãn cách xã hội nên việc thuê người thu hoạch tôm càng xanh cũng là một thách thức không nhỏ. 

Theo các thương nhân thu mua tôm càng xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với lượng tiêu thụ nhỏ lẻ tại TP.HCM như hiện nay sẽ không thấm vào đâu so với sản lượng tôm càng xanh đang vào vụ thu hoạch tại Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có đến 4 huyện chuyên nuôi tôm càng xanh tại Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, An Biên và An Minh.

Kiên Giang: Hơn 1000 tấn tôm càng xanh cần kết nối tiêu thụ

Thống kê của ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang thì sản lượng tôm càng xanh cần thu hoạch đến ngày 18/8 lên đến 1.029 tấn. Đặc biệt, vùng chăn nuôi tôm càng xanh tại Kiên Giang hiện đối mặt với khó khăn chồng chất khi giá tôm giảm 20 - 30% so với trước giãn cách, số lượng tôm thu hoạch nhiều nhưng tiểu thương chỉ thu mua ít. 

Khảo sát tại chợ mạng, giá tôm càng xanh cao gấp đôi khi giá bán từ 170k - 180k/kg (size 20 con/kg) khi so với thu mua tại ao. Tôm càng xanh sẽ được đóng thùng, ướp đá để vận chuyển đến tay khách hàng.


Số lượng tôm đến kỳ thu hoạch tại Kiên Giang lên đến hàng nghìn tấn nhưng mỗi ngày thương lái chỉ tiêu thụ được khoảng 10 tấn. Ảnh: Báo Thanh Niên.

Theo ông Võ Hoàng Nguyên - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), tôm càng xanh đến giai đoạn thu hoạch nếu không bán kịp sẽ hao hụt dần và nông dân tiếp tục lỗ thêm tiền thức ăn mỗi ngày. Số lượng tôm đến kỳ thu hoạch tại địa phương này lên đến hàng nghìn tấn nhưng mỗi ngày thương lái chỉ tiêu thụ được khoảng 10 tấn để bán lẻ về An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ…

Bạc Liêu: Giá tôm càng xanh giảm 15-20%

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường đầu ra tôm nuôi trên địa bàn Bạc Liêu không chỉ khó bán mà giá giảm sâu khiến người nuôi lo lắng (giảm khoảng 15 - 20% tùy theo kích cỡ tôm)

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, trong tháng 8 dự kiến sản lượng thu hoạch 53.000 tấn thủy sản, sản lượng tiêu thụ trong tỉnh khoảng 4.300 tấn. Riêng tôm càng xanh ở huyện Hồng Dân diện tích đến kỳ thu hoạch khoảng 975ha, khả năng cung ứng khoảng 3tấn/ngày cần tiêu thụ. Hợp tác xã Nông nghiệp Ba Đình, xã Vĩnh Lộc A, sản lượng tôm cung ứng khoảng 2-3 tấn/ngày và có thể nhiều hơn nếu có nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc thu hoạch tôm càng xanh gặp khó do các tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính Phủ trong đó có:

- Công tác vận chuyển giao thông hàng hoá bị trì trệ.

- Phần do tiểu thương lo ngại di chuyển do nhiều chốt chặn kiểm soát các nơi.

- Theo quy định tài xế chạy xe tải phải test nhanh 72 giờ.


Tôm càng xanh không chỉ khó bán mà còn giá còn giảm sâu.

Giải pháp tạm thời 

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch và thực hiện tốt “mục tiêu kép”, các tỉnh, thành vùng ÐBSCL đang tích cực phối hợp các bộ ngành Trung ương và các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan để tăng cường trao đổi thông tin về cung, cầu sản phẩm thủy sản.

 Kịp thời rà soát, thống kê nguồn cung từng mặt hàng để thúc đẩy kết nối cung - cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua nhiều kênh phân phối như siêu thị và các cửa hàng tiện với hình thức phù hợp tình hình thực hiện giãn cách xã hội hiện nay. 

Các tỉnh, thành vùng ÐBSCL cũng đã thành lập các Tổ chỉ đạo sản xuất, kết nối cung cầu nông sản nhằm phối hợp chặt các Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ các loại nông thủy sản nói chung và tôm càng xanh nói riêng. 

Nguồn: Tepbac.com

BÌNH LUẬN

Bài viết khác

X