Axit linolenic giúp tôm thẻ chân trắng kháng bệnh EHP
Nghiên cứu mới đây được đăng trên tạp chí Aquaculture cho thấy bổ sung axit linolenic vào khẩu phần ăn của tôm giúp tôm đề kháng lại bệnh EHP.
Bệnh vi bào tử trùng EHP (Enterocytozoon hepatopenaei) trên tôm là một trong những bệnh nguy hiểm nhất trong nuôi tôm công nghiệp hiện nay. Tác nhân gây bệnh được xác định là vi bào tử trùng microsporidia- một ký sinh trùng nội bào, vật có thể nhiễm vào khối gan tụy gây nên sự chậm phát triển. Mặc dù bệnh không gây chết, nhưng loại ký sinh trùng này ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của tôm thẻ chân trắng, gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề cho người nuôi tôm.
Tôm nuôi nhiễm EHP thường không có dấu hiệu bệnh lý rõ ràng. Khi tôm giống bị nhiễm EHP thả nuôi trong tháng đầu tiên, tôm vẫn phát triển tương đối bình thường nhưng sau khi tôm đạt trọng lượng 3-4g/con, cũng như khối lượng tôm trong ao tăng dần thì tôm chậm lớn dần rồi có thể dừng lớn hẳn. Dấu hiệu bênh lý điển hình của tôm nhiễm vi bào tử trùng là hiện tượng tôm chậm lớn và nhiều phần trên cơ thể chuyển sang màu trắng đục. Ao tôm bị bệnh có hiện tượng lệch size. Trong giai đoạn đầu, tôm nhiễm vi bào tử trùng thường có hiện tượng mềm vỏ, chết rải rác, giảm ăn và rỗng ruột.
Axit linolenic là một axit béo thiết yếu trong khẩu phần ăn của động vật thủy sản. Cá và tôm không có khả năng tổng hợp axit béo do đó việc bổ sung axit béo vào khẩu phần ăn là cần thiết. Bởi chúng đóng vai trò quan trọng trong cơ thể động vật là thành phần cấu trúc thiết yếu của tất cả các màng tế bào, truyền tín hiệu nội bào, sản xuất hormone và sản xuất năng lượng.
Khi tôm thiếu acid béo sẽ giảm khả năng chống lại các tác nhân gây căng thẳng từ môi trường và phản ứng miễn dịch, giảm hoạt động của enzym chống oxy hóa.
Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá hiệu quả axit linolenic lên hiệu suất tăng trưởng và tình trạng miễn dịch của tôm nhiễm EHP. Tôm nhiễm EHP được cho ăn chế độ ăn LNA (chế độ ăn 0; 1,2; 2,4 và 4,8 g/kg) trong 30 ngày.
Kết quả cho thấy so với các nhóm khác, chiều dài cơ thể và trọng lượng của tôm ở nhóm bổ sung 2,4g LNA/kg thức ăn đạt giá trị cao nhất và khác biệt so với nhóm đối chứng, kế tiếp là nghiệm thức bổ sung 4,8 g LNA/kg thức ăn.
Nghiên cứu sâu hơn cho thấy rằng khi tôm được cho ăn với chế độ ăn 2,4 g LNA/kg, các gen liên quan đến tăng trưởng (axit farnesoic O-methyltransferase và protein điều hòa ecdysteroid) được điều chỉnh giảm, nhưng hormone esterase giống như carboxylesterase của tôm được điều chỉnh tăng lên, cho thấy rằng LNA có thể cải thiện khả năng tăng trưởng của tôm nhiễm EHP
Qua phân tích cho thấy ba gen miễn dịch (protein peritrophin-44, lysozyme và cathepsin C) ở tôm đã được điều chỉnh tăng đáng kể sau khi được bổ sung LNA. Ngoài ra, hoạt tính của enzyme superoxide dismutase và catalase trong gan tụy của P. vannamei đã tăng lên rõ rệt sau khi bổ sung axit linolenic với các nồng độ khác nhau và đạt giá trị cao nhất ở nghiệm thức bổ sung 2,4 g axit linolenic
Số lượng bản sao của EHP đã giảm đáng kể ở nhóm 1,2; 2,4 và 4,8g LNA/kg chế độ ăn so với nhóm không có LNA. Nghiệm thức bổ sung 2,4 g/kg thức ăn có số lượng bản sao thấp nhất.
Tóm lại, hàm lượng LNA thích hợp trong thức ăn (2,4 g/kg khẩu phần) có thể cải thiện tốc độ tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng và tăng cường khả năng miễn dịch không đặc hiệu và hoạt động chống oxy hóa.
Kết quả từ nghiên cứu chỉ ra rằng Axit linolenic có thể được sử dụng để kiểm soát EHP trong nuôi tôm.
Nguồn: Tepbac.com