Công Ty TNHH Thuỷ Sản Tâm Việt

Ngày đăng: 22/11/2024

Bến Tre tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế thủy sản

Bến Tre tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế thủy sản

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 2 giai đoạn tại Bến Tre.

Với chiều dài bờ biển 65 km, Bến Tre là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản.

Những năm qua, kinh tế biển mà chủ yếu là kinh tế thủy sản được tỉnh Bến Tre tập trung đầu tư khai thác có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ngư dân và nhân dân vùng biển.

Đa dạng đối tượng nuôi

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết, với thế mạnh và tiềm năng của một tỉnh ven biển, Bến Tre có đầy đủ điều kiện thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản phát của tỉnh triển khá mạnh, với tổng diện tích mặt nước nuôi thủy sản ở 3 huyện ven biển khoảng 47.000 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh khoảng 11.500 ha. Tổng sản lượng nuôi khoảng 265.000 tấn/năm.

Với lợi thế trên, Bến Tre đang tích cực triển khai phát triển các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra. Cùng với đó, tỉnh thực hiện mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo quy hoạch, Bến Tre phấn đấu đến năm 2030, tổng diện tích nuôi thủy sản chủ lực đạt 37.000 ha; trong đó, tôm sú đạt 22.500 ha, tôm thẻ chân trắng 13.500 ha (nuôi 2 giai đoạn, công nghệ cao 5.000 ha), cá tra thâm canh 1.000 ha.

Tổng sản lượng nuôi thủy sản chủ lực đạt 402.870 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD. Trước mắt, giai đoạn 2020, tổng diện tích nuôi thủy sản chủ lực của tỉnh đạt 35.800 ha với tổng sản lượng nuôi thủy sản chủ lực đạt 266.700 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 90 triệu USD.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho hay, trên cơ sở quy hoạch, tỉnh chủ trương đầu tư phát triển ngành thủy sản chủ lực theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị; trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị.

Ngoài ra, tỉnh tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, tạo đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Song song với hoạt động nuôi trồng, nghề khai thác thủy sản ở Bến Tre cũng ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhất là đầu tư, trang bị hiện đại, đủ điều kiện để khai thác xa bờ và bám biển dài ngày hơn. Nguồn lợi thủy sản khai thác đạt hơn 200.000 tấn/năm, chiếm khoảng 44,6% trong tổng sản lượng thủy sản.

Bến Tre đang kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản, nhất là chế biến tôm biển. Hiện nay, toàn tỉnh có 11 nhà máy hoạt động chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu là thủy sản đông lạnh, chả cá, công suất đạt 72.000 tấn sản phẩm/năm; trong đó, sản phẩm cá tra fillet, nghêu chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Phát triển vùng nuôi công nghệ cao

Theo định hướng phát triển đối với hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, thời gian tới, Bến Tre tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại 3 huyện biển. Mặt khác, tỉnh tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cụ thể, Bến Tre đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển ngành tôm với mục tiêu đưa ngành này trở thành ngành công nghiệp sản xuất mũi nhọn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo đó, giai đoạn 2020-2025, Bến Tre phát triển ngành công nghiệp tôm ứng dụng công nghệ cao được hình thành tại các vùng sản xuất trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Do vậy, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đạt 37.420 ha; trong đó tôm nước lợ 35.520, tôm càng xanh 1.900 ha. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 53 triệu USD.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, thời gian tới, Bến Tre triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ chế, chính sách đến đầu tư hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư nuôi tôm công nghệ cao và đầu tư nhà máy chế biến tôm…

Ngoài ra, tỉnh cũng tiến hành rà soát quy hoạch và xây dựng các vùng nuôi theo hướng công nghệ cao, đồng thời tập trung phát triển nhanh, mạnh đối với tôm sú, tôm chân trắng có thị trường tốt; nhân rộng và phát triển mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, nuôi hai giai đoạn để nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững.

Hiện tôm biển là một trong 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Bến Tre. Toàn tỉnh hiện có diện tích nuôi tôm biển khoảng 35.000 ha, cho sản lượng hơn 50.000 tấn/năm. Nghề nuôi tôm ở Bến Tre phát triển mạnh và khá lâu, đặc biệt là tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh. Thời gian qua, việc cải tiến kỹ thuật nuôi tôm biển thâm canh đã góp phần tăng sản lượng hàng hóa lớn và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của tỉnh.

Nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, năng suất mô hình nuôi tôm chân trắng thâm canh đạt 8-tấn/ha/vụ; tôm sú 5,5 tấn/ha/vụ; quảng canh, tôm lúa từ 200- 250 kg/ha/vụ; nuôi tôm 2 giai đoạn với năng suất rất cao khoảng 180 tấn/ha mặt nước nuôi/năm.

Đặc biệt, hình thức nuôi tôm chân trắng 2 giai đoạn đang được phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh, với diện tích  hơn 800 ha, sản lượng khoảng 12.000 tấn. Đây là hướng đi mới cho nghề nuôi tôm biển trên địa bàn tỉnh, bởi vừa đảm bảo hoạt động nuôi trồng thủy sản ổn định, vừa chủ động giảm thiệt hại do nước, xâm nhập mặn, khô hạn, nắng nóng.

Ông Đặng Văn Bảy, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre chia sẻ, thời gian qua mặc dù, hạn, mặn, nắng nóng kéo dài nhưng nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao 2 giai đoạn mà diện tích nuôi tôm của ông không bị ảnh hưởng do kiểm soát tốt môi trường nuôi và hạn chế được dịch bệnh.

Theo ông Đặng Văn Bảy, 1 ha đất nếu nuôi theo cách bình thường như trước đây sẽ có 2 ao nuôi, mỗi ao khoảng 4.000m2 mặt nước. Diện tích còn lại làm ao lắng xử lý nước, tuy thả tôm với mật độ cao nhưng hiệu quả không cao.

Vì thế, ông Đặng Văn Bảy áp dụng theo nuôi hai giai đoạn, 1ha đất chỉ cho nuôi khoảng 1.500 m2 mặt nước, diện tích còn lại là ao ươm và ao xử lý nước, tôm sẽ nuôi với mật độ cao khi đó tôm nuôi cần rất nhiều nước sạch để thay đổi liên tục, tôm sẽ lớn nhanh ít bệnh, cho năng suất khoảng 9 tấn, cao hơn 3 lần so với thả nuôi theo bình thường.

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, từ nay đến cuối năm 2020, tỉnh phấn đấu tăng diện tích nuôi tôm công nghệ cao 2 giai đoạn, 3 giai đoạn lên khoảng 1.500 ha. Đồng thời, ưu tiên cải tiến, áp dụng các phương pháp kỹ thuật mới để đem lại hiệu quả trong việc nuôi tôm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi và đẩy mạnh xuất khẩu.

Nguồn: Tép Bạc

Danh mục
Tin liên quan
Zalo
Hotline