Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên tôm
Nông dân cần chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh trên tôm.
Từ đầu năm đến nay, các loại bệnh trên tôm như bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, phân trắng,... trên tôm vẫn xuất hiện rải rác tại các vùng nuôi tôm của tỉnh Long An. Vì vậy, người nuôi tôm cần chủ động thực hiện các giải pháp để phòng, trị bệnh, hạn chế thiệt hại kinh tế.
Nhiều diện tích bị thiệt hại
Đến nay, Long An thả nuôi 1.550ha tôm nước lợ, đạt 21,9% kế hoạch (7.080ha), trong đó, tôm sú 150ha, tôm thẻ chân trắng 1.400ha. Từ đầu năm đến nay, có 122,23ha tôm bị thiệt hại không thu hoạch được hoặc thu hoạch sớm, chiếm 7% tổng diện tích thả nuôi. Trong tuần qua, diện tích thiệt hại trên tôm là 1,6ha xảy ra tại xã Thuận Mỹ và xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành. Nguyên nhân gây thiệt hại do hoại tử gan tụy cấp gây ra.
Ông Lê Trọng Thư (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến khá phức tạp, nhiều dịch bệnh trên tôm phát sinh. Gia đình tôi đầu tư hơn 150 triệu đồng để thả nuôi 1ha tôm thẻ chân trắng. Nhưng chỉ được hơn 1 tháng tuổi, tôm bị bệnh hoại tử gan tụy nên tôi phải thu hoạch sớm. Do tôm nhỏ nên giá bán cũng thấp, vụ này, gia đình tôi thiệt hại khoảng 100 triệu đồng”.
Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm, từ tôm sú cho đến tôm thẻ chân trắng, vậy mà vụ này, ông Lê Văn Nhàn (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) cũng không tránh khỏi thiệt hại. Hơn 1,2ha tôm của gia đình ông bị bệnh phân trắng phải thu hoạch sớm. Ông Nhàn cho biết: “Những vụ vừa qua, người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như vụ trước tết, gia đình tôi thu hoạch tôm đạt năng suất khá nhưng tôm lại không được giá, lãi không cao; còn vụ này, mặc dù giá tôm đang ở mức tốt nhưng lại bị dịch bệnh. Hiện tôi vệ sinh ao nuôi, dự định sẽ phơi ao vài tháng để cắt đứt dịch bệnh, tránh việc dịch bệnh tiếp tục phát sinh và gây thiệt hại”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo thông tin: “Trước đây, những xã vùng hạ của huyện nuôi tôm đạt hiệu quả cao. Chính nhờ con tôm mà nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và khá giả. Nhưng năm nay, nhiều dịch bệnh phát sinh cùng với giá tôm biến động bất thường nên người nuôi gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp huyện thường xuyên phối hợp các ngành liên quan hướng dẫn người nuôi khử trùng ao nuôi, hỗ trợ thuốc xử lý nguồn nước; đồng thời, yêu cầu xử lý ao theo đúng quy trình kỹ thuật trước khi thả nuôi, tái sản xuất nhằm tránh dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã thiệt hại khoảng 20ha tôm”.
Để nuôi tôm đạt hiệu quả
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Nguyễn Thanh Toàn, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên tôm thường do môi trường nuôi, điều kiện thời tiết phức tạp, biến động bất thường làm sức đề kháng của tôm bị suy giảm, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập, gây bệnh. Ngoài ra, chất lượng con giống không bảo đảm, không được xét nghiệm các loại bệnh nguy hiểm trước khi thả, trình độ kỹ thuật của người nuôi còn hạn chế.
“Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên tôm, người dân cần cải tạo ao nuôi, đúng quy trình, thả tôm nuôi với mật độ phù hợp. Bên cạnh đó, phải thường xuyên theo dõi môi trường trong ao nuôi, để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời, đồng thời, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất diệt khuẩn, nhằm ổn định môi trường ao nuôi. Ngoài ra, người dân nên cho tôm ăn đúng khẩu phần, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, vi lượng để tăng cường sức đề kháng cho tôm” - ông Toàn khuyến cáo.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Thời điểm này, để hạn chế dịch bệnh trên tôm, các hộ nuôi cần thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, chất lượng môi trường nước. Tại các điểm quan trắc có độ kiềm thấp, nông dân cần nâng độ kiềm lên khoảng từ 80-120mg/l bằng các sản phẩm: Dolomite, Alkaline kết hợp khoáng và vôi; đồng thời, tăng cường bổ sung vitamin, khoáng, giải độc gan và men đường ruột vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi. Ngoài ra, nông dân nên sử dụng ao lắng và sử dụng chế phẩm sinh học để khử khí độc, tiêu diệt các mầm bệnh trong nước trước khi cấp vào ao nuôi; giữ mực nước ao nuôi từ 1,5m trở lên và tăng cường chạy quạt nhằm hạn chế sự phân tầng nhiệt độ nước và cung cấp oxy cho tôm. Hiện đang vào giai đoạn chuyển mùa, những cơn mưa đầu mùa đã xuất hiện, người nuôi tôm cần gia cố bờ ao cẩn thận, thường xuyên kiểm tra môi trường nước, tránh việc nước mưa làm thay đổi môi trường nước, gây sốc cho tôm”.
Thời gian tới, tình hình thời tiết và dịch bệnh trên tôm được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, do đó, ngành Nông nghiệp các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nhằm nâng cao ý thức cho các hộ nuôi tôm về công tác phòng, chống dịch bệnh. Đối với những ao nuôi đã có dịch bệnh phải thu hoạch sớm, nông dân cần xử lý ao và nguồn nước bằng hóa chất TCCA trước khi xả ra bên ngoài, đồng thời bảo đảm cách ly từ 30 ngày trở lên trước khi thả nuôi vụ tiếp theo. Còn đối với những diện tích chưa xuất hiện dịch bệnh, cần thường xuyên kiểm tra ao nuôi và báo ngay với cán bộ khuyến ngư, thú y nơi gần nhất khi phát hiện tôm có dấu hiệu không bình thường để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nguồn: Tép bạc.