Công Ty TNHH Thuỷ Sản Tâm Việt

Ngày đăng: 22/11/2024

Diễn biến chất lượng môi trường nước vùng nuôi tôm nước lợ khu vực phía Bắc, Nam Trung Bộ và ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm 2021

Diễn biến chất lượng môi trường nước vùng nuôi tôm nước lợ khu vực phía Bắc, Nam Trung Bộ và ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm 2021

Trong năm 2021, Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I, II, III và chỉ đạo Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định Nuôi trồng Thuỷ sản tiến hành quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thuỷ sản với 172 điểm quan trắc trên tôm nước lợ khu vực phía Bắc, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tại 29 tỉnh đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, cho thấy kết quả trong 6 tháng đầu năm 2021 như sau.

Đối với vùng nuôi tôm nước lợ khu vực phía Bắc

Diễn biến môi trường 6 tháng đầu năm 2021: Tại nguồn nước cấp một số chỉ tiêu sau nằm ngoài giới hạn: N-NH4 là 42,60 %, coliform tổng số là 37,28 %, độ kiềm là 18,34 %, N-NO2 là 15,98 %, TSS là 8,28 %, nhiệt độ là 7,69 %, độ mặn là 5,92 %, P-PO4 là 1,78 %, Vibrio tổng số là 1,78 %. Phát hiện tảo độc ở các đợt quan trắc trong tháng 1 - 5 với tỷ lệ bắt gặp 18,93 % tổng số mẫu kiểm tra. Tuy nhiên, hầu hết có mật độ thấp hơn ngưỡng giới hạn cảnh báo, ngoại trừ mẫu nước ở điểm quan trắc Hải Chính, Nam Định trong đợt quan trắc tháng 4 có mật độ tảo độc Pseudo-nitzschia seriata vượt ngưỡng giới hạn cảnh báo.

Riêng trong tháng 6/2021, diễn biến môi trường nước cho thấy chỉ tiêu quan trắc gồm nhiệt độ, pH, DO, độ mặn, H2S, COD, TSS, tảo độc hại, Vibrio tổng số, VpAHPND nằm trong giới hạn cho phép cho nuôi tôm nước lợ. Một số chỉ tiêu vượt giới hạn gồm độ kiềm thấp tại Hiền Thành, Quảng Trị; độ kiềm cao tại Hải Chính, Nam Định, N-NOvượt từ 1,26 - 4,94 lần, N-NH4 vượt từ 1,02 - 2,17 lần, P-PO4 vượt từ 1,08 - 1,49 lần, coliform vượt từ 1,7 - 11,0 lần; tại một số vùng nuôi nuôi như Hải Chính và Quất Lâm, Nam Định, Quỳnh Bảng và Quỳnh Liên, Nghệ An, Võ Ninh và Quảng Thuận, Quảng Bình; Hiền Thành, Quảng Trị; Kỳ Hà và Hộ Độ, Hà Tĩnh. Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các điểm quan trắc của Nam Định, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế đạt mức tốt và rất tốt cho nuôi tôm nước lợ; một số vùng nuôi chất lượng nước ở mức trung bình và xấu tại Kỳ Hà và Hộ Độ, Hà Tĩnh, trước khi cấp nước vào ao nuôi phải được xử lý theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Dự báo xu thế diễn biến môi trường tháng 7 và những tháng cuối năm 2021: Nhiệt độ trung bình trong nước nguồn cấp tăng cao vào tháng 7 và tháng 8, dao động từ 27,3 - 33,8 °C, độ mặn trung bình các điểm ở Quảng Trị và Nghệ An sẽ có xu hướng giảm rõ rệt vào tháng 9 và tháng 10, dao động từ 3 - 17 ‰; hàm lượng COD và N-NO2 trung bình tại Nghệ An, Nam Định có xu hướng tăng vượt ngưỡng, dao động từ 11,5 - 14,4 mg/L và 0,05 - 0,07 mg/L. Độ kiềm nguồn nước cấp tại các tỉnh Bắc Trung Bộ thấp do ảnh hưởng của mưa lũ. Các thông số khác có sự biến động nhẹ và có giá trị nằm trong ngưỡng cho phép.

Đối với vùng nuôi tôm nước lợ khu vực Nam Trung Bộ

Diễn biến môi trường 6 tháng đầu năm 2021: Hầu hết các thông số môi trường nước cấp cho nuôi tôm nước lợ tại các điểm quan trắc ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận, Bình Thuận đều nằm trong khoảng giới hạn cho phép. Một số chỉ tiêu nằm ngoài khoảng giới hạn cho phép như: Độ kiềm là 6,1%; N-NH4+ là 6,9%; COD là 6,4%; mật độ vi khuẩn Vibrio sp là 27,08; coliform là 9,7%.  Chỉ số chất lượng nước (WQI) ở các điểm quan trắc hầu hết đều phù hợp cho nuôi trồng thủy sản, trừ một số điểm có chất lượng lượng xấu và trung bình tại Vinh Quang, Đông Điền, Bình Định xảy ra vào tháng 3 và tháng 4/2021.

Riêng trong tháng 6/2021, diễn biến môi trường nước cho thấy chỉ tiêu quan trắc gồm nhiệt độ, pH, DO, độ mặn, độ kiềm, N-NO2, N-NH4+, P-PO4+, S2- (H2S), TSS, COD, Vibrio tổng số, Vibrio parahaemolyticus và Coliform nằm trong giới hạn cho phép cho nuôi tôm nước lợ. Một số chỉ tiêu vượt ngưỡng giới hạn cho phép như độ kiềm thấp tại Vinh Quang, Bình Định và Tân Thủy, Khánh Hòa; N-NH4+ cao hơn giới hạn cho phép vượt từ 1,1 - 1,3 lần tại Đông Điền, Bình Định và An Hải, Ninh Thuận; COD vượt 1,3 lần tại Đông Điền, Bình Định và Xuân Đông, Khánh Hòa; Vibrio tổng số vượt từ 1,2 - 4,5 lần ở một số vùng nuôi như Hòa Hiệp Nam và Xuân Hải, tỉnh Phú Yên, Tân Thủy, Khánh Hòa và Vinh Quang, Bình Định. Chỉ số chất lượng nước (WQI) đều ở mức tốt và rất tốt, trừ Đông Điền, Bình Định ở mức trung bình. Đối với các vùng nuôi có chất lượng nước cấp không tốt, khuyến các phải xử lý nước trước khi lấy vào ao nuôi theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Dự báo xu thế diễn biến môi trường tháng 7 và những tháng cuối năm 2021: Khu vực Nam Trung Bộ vẫn đang trong thời gian nắng nóng, một số chỉ tiêu gồm NH4+, COD, Vibrio tổng số có khả năng vượt giới hạn cho phép. Nguồn nước cấp cho sản xuất giống tôm nước lợ tại Ninh Thuận, một số yếu tố như P-PO43-, Vibrio tổng số có khả năng biến động vượt giới hạn cho phép.

Đối với vùng nuôi tôm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Diễn biến môi trường 6 tháng đầu năm 2021: Chỉ tiêu quan trắc gồm nhiệt độ, pH, độ dẫn, DO nằm trong giới hạn cho phép phù hợp cho nuôi tôm. Một số chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép gồm N-NO2- vượt từ 1,0-18,9 lần, N-NH4+ vượt từ 1,0-12,1 lần, P-PO43- vượt từ 1-4,9 lần, Vibrio tổng số vượt từ 2->30 lần, TSS vượt từ 1-32,9 lần tại một số vùng nuôi nuôi như: Gành Hào, kênh Trường Sơn, kênh Xáng, sông Bạc Liêu là tháng 1, 2, 4, 5, 6; kênh 30/04 là tháng 1, 3, 5, 6; kênh 9000 là tháng 5 và tháng 6; kênh Cái Cùng là tháng 1, 3, 4, 5, 6; kênh chùa Phật, kênh Gò Cát là tháng 3, 4, 5, 6; kênh Hộ Phòng là tháng 4, 5,6; kênh Mương 7 là tháng 3 và tháng 4; kênh số 3 là tháng 3, 5, 6 thuộc Bạc Liêu; Cống Đá, sông Thị Tường là tháng 3, 4, 5, 6; kênh Sáng Tân Hưng, kênh sáng Đô Cường, Lương Thê Trân, ngã ba Vàm Đình, sông Cái Đôi, sông Đường Chéo, sông Đầm Dơi trong tháng 4, 5, 6 thuộc Cà Mau; bến phà Đại Ân, cầu chữ U trong tháng 3, cầu Cà Lăm là tháng 5 và tháng 6; kênh 700- Tân Nam là tháng 1 và tháng 6, vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus chiếm 42,9% lượt quan trắc.

Chỉ số chất lượng nước WQI cho thấy 44,7% các điểm quan trắc đều ở mức tốt và rất tốt cho nuôi tôm; 28,0% ở mức trung bình; 1,1% ở mức xấu và kém do mật độ vibrio tổng tăng rất cao (Gành Hào, kênh Trường Sơn, kênh số 3-Vĩnh Thịnh, kênh 30/04 (Bạc Liêu), Vũng Luông và Bến Thủ (Bến Tre)).  

Diễn biến môi trường tháng 6/2021: Chỉ tiêu quan trắc gồm nhiệt độ, pH, độ kiềm, H2S nằm trong giới hạn cho phép phù hợp cho nuôi tôm. Một số chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép gồm N-NO2- vượt từ 1,0-18,9 lần, N-NH4+ vượt từ 1,1-12,0 lần, P-PO43- vượt từ 1,14,9 lần, Vibrio sp tổng số vượt từ 1-8,4 lần, TSS vượt từ 1-5,9 lần tại một số điểm quan trắc thuộc Bạc Liêu và Cà Mau, kênh 700-Tân Nam, cầu Cà Lăm, Sóc Trăng.

Ngoài ra ghi nhận sự hiện diện của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus chiếm 38% lượt quan trắc. Chỉ số chất lượng nước WQI có 54,6% các điểm quan trắc đều ở mức tốt và rất tốt cho nuôi tôm, 45,3% ở mức trung bình tập trung hầu hết ở các điểm quan trắc thuộc Cà Mau và Bạc Liêu, không ghi nhận trường hợp chất lượng nước xấu và kém trong tháng 6 năm 2021.

Dự báo xu thế diễn biến môi trường tháng 7 và những tháng cuối năm 2021: Trong thời gian tới nguồn nước cấp vùng nuôi tôm nước lợ tại khu vực Nam Bộ bị ảnh hưởng rất lớn từ lượng nước mưa, hiện tượng cuốn trôi bùn bã hữu cơ từ bờ bao, nội đồng ra kênh cấp,… Do đó, chất lượng nước cấp thời gian này giảm thấp, các yếu tố thuỷ lý hóa môi trường ao nuôi thay đổi theo chiều hướng xấu là điều kiện thuận lợi cho một số mầm bệnh như vi bào tử trùng, hoại tử gan tụy cấp, virus đốm trắng (WSSV) xuất hiện trên tôm nuôi.

Cảnh báo và khuyến cáo

Trong tháng 6/2021, trên cơ sở kết quả quan trắc, để chủ động ứng phó với mùa mưa bão trong nuôi trồng thuỷ sản năm 2021 các cơ quan chuyên môn tại địa phương cần khẩn trương triển khai một số nội dung sau:

Xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn nhân lực và chủ động tổ chức triển khai các biện pháp phòng, ứng phó hiệu quả với mưa, bão, lũ trong nuôi trồng thủy sản; tăng cường truyền tải thông tin về dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai, các bản tin thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, III và cơ quan quản lý địa phương đến người nuôi để chủ động phòng, tránh giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, cử cán bộ bám sát địa bàn, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở nuôi các biện pháp phòng chống và khắc phục thiệt hại do mưa bão, lũ xảy ra để ổn định sản xuất.

Khi có mưa bão cần chú ý chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, máy móc, trang thiết bị (lưới, đăng chắn, dụng cụ, cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ quạt nước, vôi, tàu thuyền, phao cứu sinh…) phục vụ cho công tác phòng, tránh, khắc phục hậu quả của thiên tai; Thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm.

Đồng thời, nạo vét kênh mương, đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao, gia cố bờ ao, đầm, các công trình phụ trợ tại cơ sở nuôi, đảm bảo an toàn khi mưa, bão đến; kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lồng bè thông thoáng. Xây dựng phương án di dời lồng bè vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp, độ mặn ổn định (đối với nuôi ven biển) khi cần thiết.

Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần che chắn mặt lồng, bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài; Tổ chức nắm bắt tình hình nuôi trồng thủy sản, rà soát, dự kiến nhu cầu con giống thủy sản, hóa chất xử lý môi trường… để phục vụ công tác phục hồi sản xuất thủy sản sau mưa bão, đặc biệt chú ý sơ tán lao động về nơi trú ẩn an toàn để đảm bảo không có thiệt hại về người khi xảy ra thiên tai.

Sau khi mưa bão cần có biện pháp khắc phục như: Hướng dẫn người nuôi xả bớt nước trên tầng mặt, tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước, nhất là đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao; kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, đầm, nơi đặt lồng bè nuôi đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép. Di chuyển lồng bè đến vùng nuôi có chất lượng nước đảm bảo an toàn khi cần thiết.

Ngoài ra, kết hợp bổ sung vitamin C hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời; Sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khủ trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, lũ tan (nếu bị ô nhiễm) hoặc khi có thủy sản bị chết.

Mặt khác, chủ động thực hiện và phối hợp với cơ quan chức năng liên quan trong quan trắc, cảnh báo sớm diễn biến môi trường vùng nuôi trồng thủy sản; Hướng dẫn người nuôi thủy sản thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản, thống kê chính xác diện tích, mức độ thiệt hại để làm cơ sở đề xuất hỗ trợ cho người dân theo quy định.

Nguồn: Tepbac.com

Danh mục
Tin liên quan
Zalo
Hotline