Ông Phu (nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng Việt Nam) nhận định: "Khả năng lây nhiễm cao của Omicron có thể dẫn tới quá tải bệnh viện, nhiều người mắc chuyển nặng hoặc nghiêm trọng nếu không được can thiệp y tế kịp thời".
Nhận định của ông Phu căn cứ vào các thông tin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, hiện chưa rõ mức độ lây nhiễm, độ độc tính, song nguy cơ dịch dễ lây lan hơn do đặc tính mang nhiều đột biến nguy hiểm của Omicron.
Cách phòng bệnh hữu hiệu nhất hiện nay là dừng các chuyến bay đi tới các nước châu Phi đang có dịch, tăng cường kiểm dịch biên giới, cửa khẩu, cần lưu ý có những người ở châu Phi đi qua nước thứ 2 rồi về Việt Nam. "Tăng cường xét nghiệm các trường hợp đi từ nước ngoài về, đồng thời làm các xét nghiệm trong nước, điều tra dịch tễ, giải trình tự gene", ông Phu nói và khuyến cáo người dân luôn phải nâng cao cảnh giác, hạn chế tụ tập đông người, thực hiện 5K trong bối cảnh nguy cơ biến chủng mới có thể xâm nhập.
Trên thực tế, một loạt quốc gia đã áp dụng lệnh cấm bay hoặc cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh như Isarel, Nhật Bản để đối phó biến chủng Omicron. Bộ Y tế tối 28/11 cho biết Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với chủng Omicron, song đề xuất Chính phủ dừng các chuyến bay đến, hay về từ nam châu Phi. Hệ thống giám sát dịch tại Việt Nam đã tăng cường nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur được yêu cầu thực hiện giải trình tự gene trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là ca có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Hình ảnh so sánh lượng đột biến giữa Delta và Omicron. Ảnh: Ansa.
Biến chủng Omicron được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi hôm 24/11, một số ca nhiễm khác cũng được phát hiện tại Botswana, Bỉ, Israel và đặc khu Hong Kong của Trung Quốc. Phân tích của các nhà khoa học Nam Phi cho thấy Omicron có tới 50 đột biến, trong đó 32 đột biến trên protein gai, cấu trúc virus sử dụng để bám dính và xâm nhập tế bào người. Nhà virus học Lawrence Young, giáo sư chuyên ngành ung thư phân tử tại Trường Y Warwick ở Anh, cho rằng biến chủng này "rất đáng lo ngại" bởi những virus có số đột biến cao bất thường có thể dễ lây lan hơn, thậm chí né tránh miễn dịch và vô hiệu hóa vaccine.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Omicron không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, ngay cả ở những người chưa tiêm. Điều đó cho thấy có thể virus đang chuyển sang giai đoạn "bệnh đặc hữu" - nghĩa là virus xuất hiện thường xuyên nhưng dễ kiểm soát hơn.
Thạc sĩ, bác sĩ Calvin Q Trịnh, Bệnh viện 1A - Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP HCM chia sẻ nhắc đến virus đột biến, tâm lý chung sẽ cảm thấy lo lắng, hoang mang, nhất là khi các kết quả phân tích di truyền cho thấy Omicron có đến 32 cấu trúc gene đột biến. Tuy nhiên để đánh giá về độc lực của virus phải dựa vào triệu chứng lâm sàng và tỷ lệ tử vong. Hiện các báo cáo cho thấy chủng mới lây nhiễm nhanh, nhưng tất cả các triệu chứng đều nhẹ, đặc biệt không có báo cáo ca tử vong do biến chủng mới. "Nếu tình hình này tiếp tục được duy trì trong vài tháng tới thì đây là dấu hiệu lạc quan", bác sĩ Q Trịnh dự báo.
Tờ NYTimes dẫn lời tiến sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, cho biết thực tế các bệnh viện lớn tại nước này không tiếp nhận nhiều ca nhiễm mới, dù hầu hết người dân tại đây chưa được chủng ngừa đầy đủ. Đa số bệnh nhân bà thăm khám đều không mất vị giác, khứu giác, chỉ bị ho nhẹ. Có một bệnh nhân là bé gái khoảng 6 tuổi bị sốt cao và nhịp tim đập nhanh. Sau hai ngày theo dõi, tình trạng của bệnh nhân chuyển biến tốt.
Một số chuyên gia cho rằng, Omicron không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, ngay cả ở những người chưa tiêm, điều đó cho thấy có thể virus đang chuyển sang giai đoạn "bệnh đặc hữu" - nghĩa là virus xuất hiện thường xuyên nhưng dễ kiểm soát hơn. Tuy nhiên, bà Coetzee cho rằng cộng đồng không nên chủ quan, còn quá sớm để đưa ra kết luận về độc lực của Omicron.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho rằng biến thể mới này sẽ thuần với con người hơn nên độc lực sẽ không thể mạnh hơn. Hiện Nam Phi vẫn chưa ghi nhận ca tử vong nào. Trong tương lai, biến thể này có thể thành một dạng cảm lạnh dễ lây lan nhưng ít gây nguy hiểm.
"Độc lực giảm đi nhưng vẫn có thể tấn công vào nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, hệ miễn dịch suy giảm..., do đó không nên chủ quan mà cần tăng cường bảo vệ nhóm này", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Thực tế, các loại virus RNA như nCoV luôn luôn đột biến. Mỗi lần sao chép trong tế bào vật chủ là cơ hội để virus thay đổi. Bản chất của chúng là tiến hóa và tái tạo khi lây lan trong cộng đồng. Đây là cách virus tồn tại và sinh ra nhiều thế hệ sau này.
"Quá trình sao chép không hoàn hảo, có nghĩa là virus tạo ra các lỗi", Sasan Amini, Giám đốc điều hành Clear Labs, giải thích. Sau đó, chúng tự sửa chữa các lỗi, dẫn đến việc tạo ra những bản sao gần như giống hệt nhau. Do đó, đột biến không phải lúc nào cũng là tín hiệu xấu. Hầu hết trường hợp, đột biến có hại cho khả năng sinh sản của virus và bị loại bỏ trong quá trình chọn lọc tự nhiên. Dù vậy, nếu đột biến có lợi thế cạnh tranh, như khả năng lây truyền tăng lên, nó sẽ vượt trội và áp đảo các biến chủng trước đó.
Đây là trường hợp của biến chủng Delta, lây lan nhanh hơn 50% so với Alpha. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, Delta có thể khiến số ca nhiễm nước này tăng gấp hai lần so với các biến chủng trước nếu trở nên phổ biến. Nói cách khác, Delta phát triển mạnh vì tính dễ lây lan.
Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy Delta gây chết người nhiều hơn. Một số dữ liệu cho thấy người nhiễm biến chủng có tỷ lệ nhập viện cao hơn giai đoạn đầu đại dịch. Song phần lớn trường hợp tử vong là người chưa tiêm chủng. Từ góc độ tiến hóa, các nhà khoa học cho mục tiêu tiến hóa của các loại virus không phải là trở nên chết chóc hơn. Bởi nếu giết hết vật chủ, virus cũng tuyệt chủng, không thể tiếp tục lây lan.
Monica Gandhi, bác sĩ truyền nhiễm, giáo sư y khoa tại Đại học California - San Francisco, nhận định trên Salon rằng virus thường tiến hóa để dễ lây lan hơn, chứ không gây tử vong nhiều hơn.
"Chúng muốn có nhiều bản sao virus con, chứ không muốn giết chết vật chủ một cách dễ dàng, bởi đó không phải chiến lược khôn ngoan cho lắm", Gandhi nói.
Trong một số trường hợp, virus vẫn đột biến thành chủng gây tử vong nhiều, dù không quá phổ biến. Ebola là ví dụ điển hình. Song đây chỉ là trường hợp cực kỳ hiếm gặp.
Nguồn: vnexpress