Công Ty TNHH Thuỷ Sản Tâm Việt

Ngày đăng: 22/11/2024

Tác dụng của chất chiết lá lựu đối với bệnh gan thận mủ

Tác dụng của chất chiết lá lựu đối với bệnh gan thận mủ

Bệnh gan thận mủ trên cá tra.

Chất chiết lá lựu cho kết quả đáp ứng miễn dịch và khả năng kháng vi khuẩn E. ictaluri gây bệnh gan thận mủ trên cá tra.

Dịch bệnh là một trong những trở ngại chính cho nghề nuôi cá tra. Để kiểm soát mầm bệnh trên cá nuôi, người dân đã sử dụng nhiều loại kháng sinh, việc sử dụng kháng sinh thường rất tốn kém nhưng chỉ có hiệu quả nhất thời. 

Do vậy, thay đổi biện pháp quản lý dịch bệnh trên cá nuôi bằng sản phẩm có hoạt tính sinh học cao, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường là rất cần thiết và sử dụng sản phẩm thảo dược là một trong những giải pháp tiềm năng.

Lựu (Punica granatum), loại cây ăn trái thuộc họ Punicaceae, được trồng phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước khác. Tất cả các bộ phận của cây bao gồm hạt, hoa, trái, vỏ, lá, cành và rễ đều thể hiện hoạt tính kháng oxy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm và kháng ung thư cao (Seeram et al., 2006). Trong thủy sản, cá hồi sử dụng thức ăn có bổ sung dầu hạt lựu cho tăng trưởng nhanh, tăng hoạt tính miễn dịch và hạn chế tỉ lệ chết của cá khi nhiễm khuẩn Yersinia ruckeri (Acar et al., 2018). Tuy nhiên, các nghiên cứu ảnh hưởng của lựu lên các đối tượng nuôi thủy sản chưa nhiều. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tác động của việc bổ sung chất chiết lựu vào thức ăn lên một số chỉ tiêu huyết học và miễn dịch của cá tra (P. hypophthalmus). 

Nguồn thảo dược: lá lựu được rửa sạch và sấy khô ở nhiệt độ từ 40-45ºC và được xay nhuyễn thành mẫu bột nguyên liệu. Bột nguyên liệu được cho vào trong túi vải và ngâm trong dung môi methanol (100%). Mẫu được ngâm 5 lần, mỗi lần ngâm khoảng 24 giờ, dịch chiết từ các lần ngâm được gom lại, cô quay loại bỏ dung môi, thu được cao tổng thực vật (Nguyễn Kim Phi Phụng, 2007). 

Ngoài việc trồng lựu để lấy quả thì lá lựu được xem là một trong những chất có vai trò quan trọng trong nuôi trồng thủy sản.

Thức ăn thí nghiệm: thức ăn sử dụng trong quá trình thí nghiệm là thức ăn công nghiệp 32% đạm, kích cỡ 2 mm/viên. Chất chiết lựu theo tỉ lệ của mỗi nghiệm thức được bổ sung vào thức ăn bằng cách pha loãng với 10 mL DMSO (Dimethyl sulfoxide) và tiếp tục với 10 mL nước, phun và trộn đều cho chất chiết thấm vào thức ăn, để khô tự nhiên trong vòng 4 giờ. Sau đó áo ngoài viên thức ăn bằng dầu mực, tiếp tục để khô tự nhiên trong 8 giờ ở nhiệt độ phòng. Thức ăn đóng gói và trữ ở 4°C trong suốt thời gian thí nghiệm

Thí nghiệm bổ sung chiết xuất lựu được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 nghiệm thức 0% (đối chứng), 1,5% và 3% chất chiết lựu. Mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần với số lượng 40 cá/bể 250 mL. Cá được cho ăn với khẩu phần 3% khối lượng thân, chia thành 3 lần/ngày trong thời gian 4 tuần. Sau 4 tuần cá được cảm nhiễm với vi khuẩn E. ictaluri và theo dõi tỉ lệ chết.

Sau 4 tuần thí nghiệm, kết quả  cho thấy tăng trọng của cá ở nghiệm thức bổ sung 1,5% và 3% lựu tăng lần lượt 15,53 g và 11,28 g, trong khi nghiệm thức đối chứng chỉ  tăng 7,92 g. Khối lượng trung bình của các nghiệm thức có bổ sung chiết xuất lựu đều tăng cao hơn so với nghiệm thức đối chứng lần lượt là 1,9 và 1,4 lần. 

Cá ở nghiệm thức bổ sung 1,5% cho kết quả tốc độ tăng trưởng tương đối cao nhất (0,55 g/ngày) và cao hơn có ý nghĩa (p<0,05) so với nghiệm thức đối chứng. 

Bên cạnh tác động tích cực lên tăng trưởng của cá, kết quả nghiên cứu này còn chỉ ra chất chiết lựu có khả năng điều biến miễn dịch của cá tra thông qua việc gia tăng một số chỉ tiêu miễn dịch không đặc hiệu như tế bào bạch cầu và hoạt tính lysozyme. 

Badawi and Gomaa (2006) đã ghi nhận chất chiết lựu có khả năng cải thiện tình trạng miễn dịch của cá thông qua việc gia tăng 2 yếu tố miễn dịch quan trọng lả  lysozyme và IgM trong huyết thanh cá. Trong nghiên cứu này thì hoạt tính lysozyme cũng được kích hoạt tăng cao ở nhóm cá bổ sung chất chiết lựu so với nhóm đối chứng. Đặc biệt, khi cá nhiễm khuẩn, hoạt tính lysozyme càng được kích hoạt tăng cao hơn có ý nghĩa thống kê ở nhóm cá sử dụng thức ăn có chất chiết lựu.

Sau cảm nhiễm với vi khuẩn E. ictaluri gây bệnh gan thận mủ, tỉ lệ chết của cá ở các nghiệm thức bổ sung chiết xuất lựu đều giảm so với đối chứng. Cụ  thể  nghiệm thức bổ  sung 1,5% chất chiết lựu có tỉ  lệ  cá chết là 19,05%, nghiệm thức bổ  sung 3% lựu có tỉ  lệ  chết 38,1%, thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với cá đối chứng (57,14%).

Tóm lại, ngoài việc trồng lựu để lấy quả thì lá lựu được xem là một trong những chất có vai trò quan trọng trong nuôi trồng thủy sản, bổ sung 1,5% chất chiết lá lựu vào thức ăn cá tra cho kết quả đáp ứng miễn dịch và khả năng kháng vi khuẩn E. ictaluri tốt nhất. 

Theo Bùi Thị Bích Hằng và Trần Thị Tuyết Hoa.

Nguồn: Tép Bạc

Danh mục
Tin liên quan
Zalo
Hotline