Tầm quan trọng của mã vạch DNA trong bảo vệ và thương mại hóa động vật thủy sản
Mã vạch DNA sử dụng một trình tự DNA ngắn nằm trong geneome của sinh vật như là một chuỗi ký tự duy nhất giúp phân biệt hai loài sinh vật với nhau. Ảnh minh họa.
Mã vạch DNA (DNA barcode) trong thủy sản không đơn thuần ở việc định danh loài mà nó còn có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ và thương mại hóa trong lĩnh vực thủy sản.
Mã vạch DNA
Cụm từ mã vạch DNA được biết đến nhiều hơn trong công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực sinh học phân tử về thủy sản. Bên cạnh trí tuệ nhân tao (AI), Internet vạn vật (IoT) ngày càng được ứng dụng trong lĩnh vực thủy sản, thì mã vạch DNA cũng được xem là một bước tiến mới thức đẩy ngành thủy sản phát triển nhanh hơn và mang tính bền vững.
Khái niệm mã vạch DNA lần đầu tiên được đề cập vào năm 2003 bởi Paul Heber, một nhà nghiên cứu tại Đại học Guelph, Ontario. Mã vạch DNA là một phương pháp định danh, bản chất là sử dụng một đoạn DNA chuẩn ngắn nằm trong bộ genome của sinh vật cần xác
định danh tính, mục đích xác định sinh vật đó thuộc về loài nào một cách chính xác nhất và nhanh nhất.
Quá trình phân tích mã vạch DNA rất đơn giản với các bước thực hiện như chiết xuất DNA, sau đó nó được sử dụng làm mẫu để khuếch đại một chuỗi DNA ngắn thông qua kỹ thuật phản ứng chuỗi polymerase (PCR) và sản phẩm PCR sẽ được giải trình tự. Toàn bộ dữ liệu trình tự này được lưu trữ và phân tích một cách hiệu quả trên hệ thống ngân hàng dữ liệu Gen (GenBank).
Mã vạch DNA trong bảo vệ động vật thủy sản
Mã vạch DNA đã trở thành một công cụ thường xuyên trong nghiên cứu đa dạng sinh học và nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy một chiến dịch mã vạch DNA ở tất cả các loài cá. Đặc biệt, chiến dịch ứng dụng thông qua mã vạch DNA của cá thuộc dự án cuộc sống (FISH-BOL) nhằm xác định mã vạch DNA của tất cả các loài cá. Kết quả ghi nhận có ít nhất 89% loài đã biết mã vạch, hiện tại nhiều loài cá đang được xác định mã vạch DNA.
Mã vạch DNA giúp xác định nguồn gốc của cá, tôm. Ảnh sinhhocvietnam
Một dự án về dữ liệu mã vạch DNA được thành lập nhằm xây dựng một thư viện mã vạch của các loài đang bị đe dọa, chiến lược này được phổ biến trên toàn toàn cầu. Điều này giúp những cơ quan có thẩm quyền biết được nguồn gốc có liên quan đến những loài nguy cấp, ngăn chặn săn bắt bất hợp pháp và giúp bảo tồn nguồn lợi động vật thủy sản. Ngoài ra, điều này còn có ý nghĩa đối với việc ước tính hạn ngạch đánh bắt trong khai thác thủy sản.
Mã vạch DNA được ứng dụng tại hải quan nhằm hỗ trợ việc xác định nguồn gốc của một số loài cá, tôm để ngăn cản sự vận chuyển trái phép các loài cá, tôm quý hiếm qua biên giới. Cũng như việc nhập khẩu một số loài động vật thủy sản gây hại đến hệ sinh thái, tác động đến một số loài bản địa cụ thể là làm mất đi nguồn gen quý bản địa đang được bảo tồn.
Mã vạch DNA trong thương mại động vật thủy sản
Mã vạch DNA đã được sử dụng để điều tra việc bán các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là cá mập ở Anh, Argentina; cá ngựa ở Trung Quốc, Malaysia; một số loài cá bán ở chợ Đài Loan, Canada,... Việc này giúp nhận dạng sản phẩm thủy sản một cách chính xác, nhằm ngăn chặn việc dán nhãn sai hoặc thay thế của các sản phẩm giả, đặc biệt là các sản phẩm chế biến hoặc ở dạng phi lê, vi cá.
Ngoài ra, mã vạch DNA còn giúp nhận dạng chính xác một số loài cá có khả năng gây độc so với cá có thể ăn được. Việc nhận dạng này bằng mắt thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì loài ăn được và độc hại có thể trông giống nhau.
Việc xác định đúng loại cá bán trên thị trường cũng có thể ngăn ngừa các trường hợp dị ứng và các vấn đề không mong muốn về sức khỏe, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe và tính xác thực của sản phẩm.
Trong nuôi trồng thủy sản, việc xây dựng một thư viện về dữ liệu DNA của các loài một cách đồng nhất sẽ giúp cộng đồng trên toàn thế giới có thể truy cập trực tuyến một cách dễ dàng, tiếp cận thông tin nhanh nhất và chính xác nhất, ở bất kỳ vùng nuôi trồng thủy sản nào, cũng như bất kỳ người tiêu dùng nào. Điều này còn giúp cho việc lưu thông hàng hóa diễn ra dễ dàng hơn.
Nguồn: Tép Bạc