“Xoay” đủ cách chống nóng cho tôm nuôi
Các hộ nuôi tôm thường xuyên chạy sục khí, cấp nước đầy đủ và duy trì mực nước trong ao nuôi luôn trên 1,4m để đảm bảo môi trường phát triển cho tôm.
Tăng cường chạy máy quạt nước, sục khí; bổ sung khoáng chất; che bạt ao nuôi... là những giải pháp đang được người dân Hà Tĩnh triển khai để chống nóng cho tôm.
Với nền nhiệt ngoài trời cao trong những ngày vừa qua, anh Phan Văn Huy (xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) phải liên tục thực hiện nhiều biện pháp chống nóng cho tôm trong hơn 3.000m2 ao nuôi để chuẩn bị xuất bán vào cuối tháng 6 tới.
Anh Huy cho biết: “Nắng nóng làm các yếu tố môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột khiến tôm có thể bị sốc hoặc phát sinh bệnh. Biện pháp cơ bản là cấp nước đầy đủ và duy trì mực nước trong ao nuôi luôn trên 1,4m. Chúng tôi cũng phải quạt nước liên tục giúp xáo trộn nước, tránh hiện tượng phân tầng nhiệt trong ao nuôi.
Ngoài ra, anh Huy còn tiến hành khử trùng ao nuôi bằng viên sủi để tăng sức đề kháng cho tôm. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên tôm nuôi trong ao của gia đình anh đang sinh trưởng tốt. Tôm nuôi được gần 40 ngày đạt trọng lượng khoảng 80 con/kg”.
Khi nắng nóng, người nuôi tôm Hà Tĩnh thực hiện giảm lượng thức ăn, bổ sung vitamin
Nhiệt độ ngoài trời tăng lên nhanh chóng và duy trì ở mức cao từ 36 - 38oC khiến các hộ dân ở vùng nuôi tôm Hà Lầm (xã Thạch Long, Thạch Hà) phải thường xuyên “đội nắng” ra khu vực sản xuất kiểm tra sức khỏe của tôm, thực hiện các biện pháp chống nóng nhằm hạn chế dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Hưng (xã Thạch Long, Thạch Hà) cho biết: “Khi nhiệt độ nước tăng làm khả năng hòa tan oxy giảm, do đó, cần tăng cường chạy máy quạt nước, sục khí (nhất là khi tắt nắng); kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn để đánh giá tỷ lệ sống, khi nhiệt độ nước trên 32oC, tốt nhất chỉ cho ăn 70% so với nhu cầu. Cùng đó, chúng tôi cũng thường xuyên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất… vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi”.
Hệ thống ao tròn lót bạt đáy nổi trong nhà lưới giảm được tác động của ánh nắng trực tiếp lên mặt hồ.
Đặc biệt, để góp phần hạn chế tác động từ sự thay đổi nhiệt độ đột ngột của môi trường, nhiều người dân tại Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư làm ao tròn lót bạt đáy nổi trong nhà lưới, bể bằng xi măng có nhà che với diện tích từ 25 - 40 m2… để nuôi tôm thẻ chân trắng.
Ông Nguyễn Văn Mại (xã Hộ Độ, Lộc Hà) chia sẻ: “Với công nghệ mới này, tôi có thể thả nuôi với mật độ cao từ 400 - 500 con/m2. Trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, hệ thống nuôi tôm có lưới phủ phía trên sẽ giúp ổn định được nhiệt độ ngày - đêm, che nắng được khoảng 60%, giảm được tác động của ánh nắng trực tiếp lên mặt hồ; lượng thức ăn được kiểm soát, không thất thoát ra ngoài, đảm bảo cho tôm sinh trưởng phát triển tốt”.
Người nuôi tôm cần kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn thông qua việc kiểm tra vó, hoặc đáy ao.
Được biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có gần 1.700 ha diện tích xuống giống vụ tôm xuân - hè. Nhằm hạn chế tôm nuôi rủi ro, thiệt hại trong mùa nắng nóng, ngay từ đầu vụ, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã cùng các địa phương đã tuyên truyền người dân về các biện pháp chống nóng, phòng trừ dịch bệnh phát sinh.
Thường xuyên kiểm tra ao nuôi để theo dõi sự thay đổi môi trường, sức khỏe của tôm.
Ông Lưu Quang Cần - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: Vụ nuôi thả tôm chính ở địa phương từ tháng 4 - 8 hằng năm. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm trùng với mùa hè, nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức cao rất dễ khiến môi trường bị xáo trộn, tôm giảm sức đề kháng, nhiễm bệnh và chết hàng loạt.
Các hộ nuôi tôm cần cấp nước vào ao đủ lưu lượng để làm mát cho tôm, tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung các chất khoáng, vi sinh đường ruột, beta glucan, vitamin...; có thể đầu tư hệ thống màng che để giảm tác động trực tiếp từ nhiệt độ cao ngoài trời, điều hòa nhiệt độ nước phù hợp; áp dụng các biện pháp hạn chế việc phân tầng nhiệt độ trong hồ nuôi, giảm sự sinh sôi và phát triển của các loại tảo.
Đồng thời, người chăn nuôi cũng tăng cường sục khí trong ao để hàm lượng ôxy được cung cấp đủ ở mọi tầng nước; thường xuyên quan sát ao nuôi để theo dõi sự phát triển của tôm và xử lý kịp thời khi có hiện tượng bất thường xảy ra.
Nguồn: Tep bac.