Xuất khẩu thủy sản vẫn là điểm sáng
Sơ chế ngao (nghêu) ở Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam tại Nam Định.
Mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thế nhưng ngành thủy sản Việt Nam từ đầu năm 2021 đến nay vẫn tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp vào tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,1 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, sản lượng khai thác thủy sản (KTTS) đạt 2 triệu tấn (tăng 1%); sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) đạt 2,1 triệu tấn (tăng 4%). Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4 tỷ USD. Ước sản lượng tôm nước lợ 6 tháng đầu năm 2021 đạt 371 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020). Diện tích thả nuôi cá tra đạt 1.750ha, sản lượng thu hoạch đạt 704,1 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tận dụng, khai thác rất tốt từ các hiệp định thương mại tự do (FTA)
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng khá, 6 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu tăng tới 15% so với cùng kỳ năm 2020. Điểm đáng lưu ý là phần lớn mặt hàng thủy sản xuất khẩu đều có mức tăng rất ấn tượng, ví dụ: Tôm tăng 13%; cá tra tăng 18%; cá ngừ tăng 24%; đặc biệt, nhuyễn thể hai mảnh vỏ (hàu, nghêu, ngao) dù kim ngạch xuất khẩu chưa cao so với các mặt hàng khác nhưng tốc độ tăng trưởng lại nhanh, tăng tới 45%. Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào các thị trường chính đều tăng trưởng mạnh: Nga tăng 61%; Mỹ tăng 37%; châu Âu tăng 21%; thị trường các nước tham gia CPTPP tăng 12%; chỉ duy nhất thị trường Trung Quốc giảm 6%. Hiện nay, xuất khẩu tôm Việt Nam đang đứng đầu về thị phần ở nhiều thị trường lớn như EU, Mỹ. Kết quả này là nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn và những thị trường tiềm năng khác, đặc biệt là sự nỗ lực của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tận dụng, khai thác rất tốt từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức
Theo dự báo của các chuyên gia về ngành hàng thủy sản, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Xuất khẩu tôm của Việt Nam những tháng cuối năm 2021 dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ các FTA. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi từ thị trường xuất khẩu thì thủy sản Việt Nam cũng đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức. Thách thức đầu tiên đối với ngành thủy sản là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, chế biến. Hiện dịch Covid-19 đã xuất hiện ở các địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản. Các doanh nghiệp thủy sản đang căng mình để vừa bảo đảm sản xuất vừa chống dịch. Có những doanh nghiệp tính đến phương án công nhân ăn ở ngay trong nhà máy. Thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng bố trí ăn ở cho công nhân trong nhà máy. Tiếp đó là các khâu sơ chế, bảo quản còn bất cập, hạn chế, vấn đề gỡ thẻ vàng thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC), đánh mã số vùng nuôi tôm, ao nuôi tôm...
Ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu cả năm, Tổng cục Thủy sản xác định sẽ tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra chất lượng và kiểm tra tính xác thực của chứng thư các lô hàng xuất khẩu biên mậu, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, ngành thủy sản tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Cá tra đã có sự kiểm soát, cấp mã số vùng trồng tốt. Ảnh: Báo Cần Thơ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thủy sản là một lĩnh vực quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Về nuôi trồng, hai đối tượng chủ lực của ngành thủy sản là tôm và cá tra. Đến nay, cá tra đã có sự kiểm soát, cấp mã số vùng trồng tốt nhưng ngành vẫn phải kết nối các hệ thống nuôi xuyên suốt thành chuỗi ngành hàng hoàn chỉnh để nâng cao tính cạnh tranh cũng như gia tăng giá trị của sản phẩm. Với tôm, dư địa để tăng diện tích nuôi không còn, do vậy chỉ có thể tăng năng suất. Tuy nhiên, khâu kiểm soát giống còn nhiều bất cập cần có sự thanh kiểm chặt chẽ.
Riêng đối với vấn đề cấp mã số vùng nuôi tôm giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang bị vướng bởi Luật Đất đai, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiến nghị Chính phủ thời gian tới cho phép sửa đổi luật này, đồng thời sẽ chủ động cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn, giúp các địa phương thực hiện việc đánh mã số vùng nuôi tôm, ao nuôi tôm, sớm đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu về việc truy xuất nguồn gốc tôm nuôi...
Nguồn: Tepbac.com