Biến đổi gen tự nhiên của Vibrio parahaemolyticus - Cơ chế tiềm năng gây ra bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm
Vibrio parahaemolyticus là vi khuẩn gây ra bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) trên tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei. Vi khuẩn này tiết ra các protein độc tố mang các gen được mã hóa trong một plasmid có thể tự biến đổi gọi là pVA1.
hình minh họa
Sự có mặt của plasmid này trong V. parahaemolyticus là yếu tố quyết định để phát sinh bệnh AHPND. Bệnh lan truyền rộng rãi không chỉ liên quan đến mật độ quần thể vi khuẩn, mà còn liên quan đến các cơ chế chuyển gen theo chiều ngang. Tuy nhiên, việc hiểu biết về hoạt động của plasmid, được biết đến như là sự biến đổi gen tự nhiên (natural genetic transformation - NGT), chưa được đề xuất như là một cơ chế thu được có thể xảy ra của pVA1 plasmid trong các loài Vibrio.
Các nghiên cứu trước đây đề nghị rằng một số loài Vibrio có khả năng xảy ra NGT với sự có mặt của chitin. Do vậy, mục tiêu của nghiên cứu được đề cập trong bài này là đánh giá sự xảy ra NGT nhờ trung gian là chất chitin ở V. parahaemolyticus (ATCC-17802) thông qua khả năng kết hợp của chúng và biểu hiện của plasmid pVA1.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy có một chủng vi khuẩn ban đầu không mang plasmid có thể kết hợp chặt chẽ với plasmid dưới những điều kiện biến đổi thích hợp, dẫn đến vi khuẩn trên làm chết tôm thẻ chân trắng tương tự như những gì mà người ta quan sát được ở những chủng gây bệnh đã được phân lập từ những đợt bùng phát dịch bệnh.
Khi một trang trại nuôi tôm có một lượng lớn vỏ tôm (có chitin), dường như NGT có thể là một cơ chế thu thập plasmid pVA1 của các loài Vibrio, làm cho một chủng của V. parahaemolyticus từ không gây bệnh thành chủng gây bệnh.
Với nghiên cứu này, các tác giả đã có thêm kiến thức về quá trình sinh bệnh học qua trung gian NGT và hiểu biết về các cơ chế lan truyền bệnh có thể xảy ra ở các bệnh mới nổi trong ngành nuôi trồng thủy sản.
Nguồn: wwww.tongcucthuysan.gov.vn