Công nghệ Synbiotic trong ương tôm thẻ ở nước biển và nước có độ mặn thấp
Tôm thẻ chân trắng giống. Ảnh minh họa
Trong các mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh hiện nay, việc hạn chế tối đa thay nước ở các ở ao nuôi đang trở thành xu hướng chủ đạo. Để làm được điều đó, cần phải duy trì các chỉ tiêu môi trường hay chất lượng nước trong ao nuôi luôn ổn định.
Tiêu biểu là công nghệ Biofloc, với việc bổ sung carbon hữu cơ (như đường, rỉ đường, các loại cám thực vật) được đưa vào nước để góp phần kích thích sự phát triển nhóm vi sinh vật có lợi (bao gồm vi khuẩn dị dưỡng và vi khuẩn nitrat hóa) giúp chuyển hóa các hợp chất chứa nitơ thành protein trong sinh khối làm thức ăn tự nhiên cho cá tôm, bên cạnh đó giúp cải thiện được môi trường nước.
Cùng với xu hướng đó, trong một nghiên cứu gần đây của Giáo sư Luis Otavio Brito da Silva và cộng sự đã đưa ra một số cải tiến mới trong ứng dụng công nghệ synbiotics để ương tôm thẻ chân trắng trong nước biển và nước có độ mặn thấp, giúp cải thiện được tốc độ tăng trưởng và chất lượng nước tốt hơn.
Công nghệ synbiotic là kết quả của quá trình trao đổi chất kỵ khí hoặc hiếu khí được thực hiện bởi vi sinh vật có lợi (còn được gọi là lợi khuẩn hay probiotics), quá trình này được thực hiện trên chất nền của thực vật, động vật, cám hay các nguồn carbohydrate khác (các loại chất xơ hòa tan là nguồn thức ăn cho lợi khuẩn được gọi là prebiotics).
Chất nền có thể hiểu được là một loại vật chất mà vi sinh vật phát triển được trên đó (đất hay giá thể có thể được xem như một chất nền). Các vi sinh vật có lợi (probiotics) sẽ thúc đẩy sự phân hủy các phân tử hữu cơ phức tạp thành các phân tử đơn giản hơn, qua đó giúp cải thiện được môi trường trong ao nuôi.
Nghiên cứu này đánh giá năng suất của tôm post L. vannamei trong hệ thống ương cộng sinh (nước biển và nước có độ mặn thấp) với cám gạo và cám lúa mì là nguồn cacbon hữu cơ.
Nghiên cứu được thực hiện trong 42 ngày và gồm có 3 nghiệm thức. Ở hai nghiệm thức đầu tiên nuôi ở độ mặn cao, nước được đưa vào bể có độ mặn khoảng 35ppt, và dùng 13mg/L chlorine để khử trùng. Sau đó, sục khí liên tục trong 72 giờ để khử clo. Tiếp theo, bổ sung thêm hỗn hợp bao gồm: Phân ure (4,5g N/m3); Triple Superphosphate (0,3g P/m3); và Natri silicat (0,23g Si/m3). Ở nghiệm thức nuôi với độ mặn thấp, nước biển được pha loãng đến độ mặn 0.2ppt, việc khử trùng với clo được thực hiện tương tự như hai nghiệm thức trên, và việc bón phân được thực hiện tương tự.
Tôm thẻ post (PL10-24) được ương với mật độ 2.000 đến 3.000 con/m3 trong bể ương có thể tích là 60L. Tôm post sẽ được cho ăn 4 lần trong ngày với thức ăn công nghiệp (chứa 45% protein và 9,5% lipids). Tần suất cho ăn được điều chỉnh mỗi tuần dựa trên tốc độ tăng trưởng của tôm, lượng thức ăn ăn vào và tỷ lệ chết. Các chỉ tiêu môi trường được đo hàng tuần và luôn được duy trì ở mức độ phù hợp để tôm phát triển tốt.
Ở nghiệm thức thứ nhất, bể ương tiếp tục được bón phân cách 3 ngày 1 lần trong suốt 42 ngày tiến hành thí nghiệm. Trước khi bón, phân được sử dụng sẽ được ủ trong điều kiện kỵ khí 48 giờ và trong điều kiện hiếu khí 24 giờ. Thành phần của phân được sử dụng bao gồm cám lúa mì (từ 22,5 đến 50 g/m3), rỉ đường (từ 12 đến 25 g/m3) và natri bicacbonat (từ 4,5 đến 10 g/m3). Bên cạnh đó, bổ sung thêm chế phẩm vi sinh Kayros Ambiental and Agrícola (chế phẩm này gồm có Bacillus subtilis, B. licheniformis, Lactobacillus sp., Saccharomyces sp. và Pseudomonas sp.) với hàm lượng 0.5g/m3.
Ở nghiệm thức thứ hai, bể ương cũng được bón phân cách 3 ngày 1 lần trong vòng 42 ngày thí nghiệm. Phân trước khi bón vào bể sẽ được ủ trong điều kiện kỵ khí 24 giờ và tiếp tục ủ trong điều kiện hiếu khí thêm 24 giờ nữa. Thành phần của phân được sử dụng bao gồm cám gạo (20g/m3), rỉ đường (2g/m3), natri bicacbonat (4g/m3). Và cuối cùng là (0,5g/m3) chế phẩm vi sinh Kayros Ambiental and Agrícola.
Ở nghiệm thức thứ 3, Phân cũng được ủ tương tự nghiệm thức thứ hai, phân được bón vào bể ương cách 3 ngày 1 lần trong 40 ngày. Thành phần của phân được đưa vào bể ương cũng tương tự như nghiệm thức thứ hai. Ngoài ra, để tăng cường sự phát triển của vi sinh vật trong bể ương, vỏ của loài giáp xác hai mảnh vỏ được bổ sung thêm để tạo ra cho nền nhân tạo cho vi sinh vật phát triển tốt, số lượng vỏ chiếm khoảng 28% diện tích đáy của bể ương (25 x 24 x 5 cm). Bên cạnh đó, nước của bể ương sẽ được tái sử dụng lại 15%.
Tôm thẻ chân trắng được thu hoạch sau 42 ngày ương trong mô hình synbiotic ở điều kiện nước biển (A) và nước có độ mặn thấp (B). Ảnh từ bài nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu sau 42 ngày cho thấy, chất lượng nước của các bể ương luôn ở mức ổn định, với nông độ oxy hòa tan là 5,0 mg/L; TAN là 0,33 đến 0,6 mg/L; NO2-N là 1,56 mg/L; và độ kiềm trên 95 mg CaCO3/L. Tôm post ở cả 3 nghiệm thức phát triển tốt với tỷ lệ sống lên đến 84%, trọng lượng của tôm sau khi kết thúc nghiệm đạt từ 0,85 đến 0,98 grams, và FCR rơi vào khoảng 1,2 đến 1,34 trong khi sản lượng lên từ 1,53 đến 2,50 Kg/m3.
Dựa trên kết quả nghiên cứu này, cho thấy việc sử dụng kết hợp giữa cám thực vật (được ủ kỵ khí và hiếu khí) như một nguồn cacbon hữu cơ, với chế phẩm sinh học (probiotics), chất nền nhân tạo (vỏ sò) và tái sử dụng lại nước trong bể ương có tiềm năng rất lớn trong việc kiểm soát đáng kể các hợp chất nitơ (TAN và NO2-N) và có ảnh hưởng tích cực đến sự tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng trong bể ương với nước biển và nước có độ mặn thấp trong mô hình synbiotic.
Nguồn: Luis Otavio Brito da Silva et al (2022). Pacific white shrimp nursery trials in seawater and low-salinity water utilizing a synbiotic system, Global Seafood Allience, Health & Welfare, 10/01/2022
Nguồn: Tép Bạc