Đạm đơn bào: Tương lai của ngành thức ăn thủy sản?
Ủy ban châu Âu (EU) đã chính thức cho phép sử dụng nguồn protein động vật có nguồn gốc từ côn trùng làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh sosialita.web
Bất chấp những tựa đề hấp dẫn do các startup chuyên về đạm côn trùng (insect protein) tạo ra, đạm đơn bào (single-cell protein) và đạm vi sinh (microbial protein) mới là tương lai của ngành công nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản.
“Côn trùng là một nguồn protein tốt song không có gì đặc biệt” – giáo sư Allen Davis từ Đại học Auburn (Mỹ) nhận định trong một buổi tọa đàm với chủ đề: Đạm côn trùng (IP) hay đạm đơn bào (SCP) sẽ trở thành nguyên liệu thức ăn thủy sản bền vững? Hai diễn giả khác cùng tham dự chương trình là chuyên gia Gorjan Nikolik thuộc ngân hàng Rabobank (Hà Lan) và GS. Chris Carter của Đại học Tasmania (Úc). Cả ba đều đồng thuận rằng các doanh nghiệp sản xuất IP đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong việc khai thác tính bền vững nhờ tiềm năng chuyển hóa chất thải của loại sản phẩm này, tuy nhiên họ cũng gặp không ít trở ngại khi cần mở rộng quy mô. Ngoài ra, đạm côn trùng cũng bị giới hạn về mặt dinh dưỡng khiến nó khó tìm được đường thống trị thị trường thức ăn thủy sản thương mại.
Vì những lý do đó, Davis và Carter tin rằng SCP và đạm vi sinh (MP) mới là cuộc chơi lâu dài của ngành. Mặc dù còn đang ở giai đoạn sơ khai nhưng các công ty sản xuất SCP và MP lại có tiềm năng phát triển rất lớn, đặc biệt ở khía cạnh cải thiện dinh dưỡng và cung cấp những nguyên liệu chuyên biệt dùng làm thức ăn thủy sản. Carter nói người tiêu dùng thường thích ý tưởng khai thác quá trình chuyển hóa sinh học ở côn trùng để biến các chất thải thành nguồn protein chất lượng cao, song những chuyên gia dinh dưỡng sẽ cần thêm các giải pháp khác. Davis thừa nhận những loại bột IP thường chứa một số hợp chất có hoạt tính sinh học mạnh khiến chúng trở nên hấp dẫn các công ty thức ăn chăn nuôi, nhưng ngành này cũng sinh ra rất nhiều chất thải.
Đạm côn trùng thay thế bột cá trong thức ăn thủy sản.
Hai diễn giả còn hoài nghi khả năng mở rộng quy mô của những doanh nghiệp IP khi sản lượng hiện nay ở cả châu Á lẫn châu Âu đều rất thấp, bên cạnh việc thiếu vắng lộ trình cùng cam kết rõ ràng. Một dấu hỏi lớn nữa nằm ở năng lực chuyển hóa sinh học của ngành, mặc dù việc biến các loại thức ăn thừa và phế phẩm thành nguồn thức ăn chăn nuôi là chuyện hữu ích. Lấy ví dụ: một số startup đang nuôi ruồi lính đen (BFS) bằng những sản phẩm mà thực ra có thể được sử dụng trực tiếp làm thức ăn thủy sản – điều này ám chỉ quá trình chuyển hóa sinh học không mang lại lợi ích rõ ràng. Trong khi đó, SCP và MP lại có triển vọng tương đối sáng sủa khi các thành phần có nguồn gốc vi khuẩn trong thức ăn sẽ mang đến sự linh hoạt cho nhà sản xuất trước những yêu cầu cụ thể về dinh dưỡng. “Từ góc nhìn của tôi, đó chính là tương lai”, Carter nói. Davis cũng đồng tình: “Trái với bột đạm côn trùng, bạn sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát sinh khối vi khuẩn.”
Gorjan Nikolik vẫn lạc quan về triển vọng của phân khúc IP trong khoảng một thập kỷ tới nhờ cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp trẻ, năng động và có khả năng tiếp cận vốn, … Tuy nhiên, ông nhận thấy các doanh nghiệp trong ngành này ở phương Tây thường ít công khai lộ trình mở rộng, như trường hợp của một cơ sở sản xuất sâu bột (mealworm) tại Pháp – được thiết kế với công suất lên tới 100.000 tấn/năm nhưng chưa rõ khi nào sẽ đi vào hoạt động. Ngoài ra, phương Tây cũng có nhiều nơi nuôi ruồi lính đen (BSF) với quy mô khá nhỏ, chỉ 1.000 – 5.000 tấn/năm. Năng lực của những trại BSF tại châu Á thậm chí còn khiêm tốn hơn nhiều: vài trăm tấn/năm. Mặc dù hầu hết các công ty IP mà Nikolik khảo sát đều có kế hoạch nâng sản lượng lên vài nghìn tấn/năm song họ lại không cung cấp thông tin về cách thức thực hiện cụ thể. Ngược lại, cả Carter, Davis và Nikolik đều tin phân khúc SCP và MP sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn, ít nhất là về mặt lý thuyết, với những siêu dự án có công suất lên tới 100.000 tấn/năm và vốn đầu tư hàng trăm triệu USD,… hiện đang được xúc tiến.
Nguồn: Tép Bạc