Gần 50% miền Tây có thể chìm trong nước biển
Triều cường gây ngập nặng ở TP. Cần Thơ. Ảnh Công Tuấn
13,2% diện tích đồng bằng sông Hồng, 17,15% diện tích TP.HCM và 47,29% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ chìm trong biển nước nếu mực nước dâng cao 1 mét.
Đây là nội dung kịch bản biến đổi khí hậu mới được Bộ Tài nguyên và môi trường công bố. Theo đó, đến năm 2100, mực nước biển trung bình ở khu vực Biển Đông sẽ dâng cao từ 56 – 77cm, tuy nhiên khu vực miền Nam sẽ có mực nước dâng cao hơn mức trung bình.
Các khu vực ven biển miền Trung cũng đối diện với nguy cơ ngập lụt nhưng thấp hơn nhiều, với khoảng 1,53% diện tích biến mất theo kịch bản nước biển dâng 100cm.
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu thiệt hại nặng nhất nếu nước biển dâng cao bởi khu vực này thực chất đang “chìm một cách tự nhiên”, theo nghiên cứu mới công bố của Đại học Wageningen và Đại học Utrecht.
Với nền đất yếu, tình trạng sụt lún đất xảy ra thường xuyên và hiện nay càng trầm trọng hơn bởi việc khai thác nước ngầm thiếu bền vững.
Tuyến đường trăm tỉ Tắc Thủ - Đá Bạc, Cà Mau bị sụt lún nghiêm trọng. Ảnh Hiếu Nghĩa
Dự án nghiên cứu lún tại tỉnh Cà Mau giai đoạn 2 do Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với một số bên liên quan thực hiện cũng chỉ ra nguyên nhân tương tự, kèm theo một số nguyên nhân khác như xây dựng đô thị dẫn đến tăng tải trọng; thiếu hụt trầm tích do các đập thượng nguồn và cố kết tự nhiên (tức sự biến dạng của cốt đất).
Theo đó, tốc độ lún, sụt đất tại Cà Mau đang dao động ở mức từ 6,15 – 22mm mỗi năm, đo ở độ sâu 100m.
Nghiên cứu nhấn mạnh, đối chiếu với dự báo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) là nước biển dâng khoảng 60cm vào năm 2100, tức là khoảng 6mm mỗi năm, cho thấy tác động của nước biển dâng nhỏ hơn nhiều so với tác động của việc khai thác nước ngầm.
Sự sụt lún đất đang diễn ra làm tình trạng ngập lụt diễn ra nghiêm trọng hơn, tác động tiêu cực trực tiếp đến nông nghiệp, thủy sản là ngành kinh tế quan trọng của khu vực. Nhà cửa và cơ sở hạ tầng bị tàn phá cũng sẽ ảnh hưởng xấu tới miền Tây, đặc biệt khi vùng này vẫn đang là “vùng trũng” về cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế. Địa chất khó khăn khiến việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền Tây có độ khó và chi phí cao hơn nhiều so với những khu vực khác.
Trước đó, một số dự báo đưa ra con số tiêu cực hơn rất nhiều khi cho rằng đồng bằng sông Cửu Long có thể chìm hoàn toàn vào năm 2030. Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, dự báo này thiếu cơ sở khoa học và mang tính chất cực đoan. Tuy nhiên, dự báo này vẫn đáng lưu tâm để nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tìm ra các giải pháp bền vững cho mảnh đất Chín Rồng.
Nguồn: Tép Bạc