Gỡ khó thủy sản “hậu COVID-19”: Doanh nghiệp như đi trên dây
Hiện nay nguồn tôm nguyên liệu đã bắt đầu khan hiếm. Ảnh: Nhật Hồ
Các tỉnh miền Tây đã nới lỏng giãn cách xã hội, dần trở lại “bình thường mới”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thủy sản vẫn sản xuất cầm chừng bởi nguyên liệu đã bắt đầu khan hiếm, trong khi công nhân vẫn còn thời gian cách ly theo quy định.
Trở lại sản xuất khó đủ điều
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tại giá tôm nguyên liệu đã bắt đầu tăng. Các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh vẫn phải có phương án phòng chống dịch, đảm bảo an toàn nới được sản xuất.
Tại Cà Mau, mấy ngày gần đây xuất hiện F0 tại một số nhà máy chế biến thủy sản khiến cho nhiều nhà máy bị phong tỏa, ngưng hoạt động dẫn đến tình trạng sản xuất khó khăn. Đầu tháng 9, UBND tỉnh Cà Mau chấp nhận cho một nhà máy chế biến thủy sản tiếp tục “giải phóng” hơn 200 tấn hàng khi phát hiện 1 ca F0 tại đây với điều kiện là chỉ chế biến hết số lượng này rồi tạm ngưng.
Mặc dù nới lỏng giãn cách nhưng hầu hết các tỉnh vẫn chưa cho người dân từ tỉnh này sang tỉnh khác. Công nhân muốn vào nhà máy vẫn phải test 3 lần/tuần và đòi hỏi có giấy đi đường. Chính điều này khiến cho lượng công nhân từ tỉnh này sang tỉnh khác làm việc rất khó khăn.
Nhà máy chế biến thủy sản Láng Trâm, thị xã Giá Rai cặp ranh với tỉnh Cà Mau có lượng công nhân từ tỉnh Cà Mau trên 300 người không thể đi sang tỉnh Bạc Liêu làm việc được.
Ông Lê Thiện Hải, Giám đốc công ty cho biết: “Nói thật doanh nghiệp sản xuất lúc này như đi trên dây. Vừa thiếu nguyên liệu, vừa sản xuất sao cho đủ đơn hàng để giao trong năm, vừa thiếu vốn, thiếu công nhân... Nhưng nếu có trường hợp F0 là đóng cửa nhà máy. Chính điều này chúng tôi không thể chủ động lên phương án sản xuất lâu dài được”.
Đồng loạt kiến nghị
Trước những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau đồng loạt kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh sớm triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp là khách hàng nhằm chia sẻ những khó khăn trong giai đoạn hiện nay; trong đó cần triển khai ngay các gói hỗ trợ giảm lãi suất vay theo hợp đồng ngắn hạn và hợp đồng vay trung và dài hạn. Tái cấp vốn, theo trình tự giảm tối đa các thủ tục hành chính rút ngắn thời gian thẩm định duyệt hồ sơ vay vốn để cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn dễ dàng nhất nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất trong giai đoạn hiện nay.
UBND tỉnh chỉ đạo các quỹ hỗ trợ có liên quan đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai ngay các gói hỗ trợ, cho vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch nhằm sớm phục hồi và tái sản xuất trong tình hình mới, giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Hiện nay nhu cầu tiêm vaccine của các doanh nghiệp rất lớn, UBND tỉnh cần tăng cường tiếp cận các nguồn vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho lực lượng lao động làm việc tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các thủ tục hướng dẫn miễn, giảm thuế cũng cần thực hiện theo hướng tinh gọn dễ thực hiện nhất đối với doanh nghiệp nhằm đảm bảo mọi doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được hưởng các chính sách thuế theo quy định.
Ông Lư Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, đã nhận được những phản ánh của doanh nghiệp. Theo ông Ly, đầu tuần tới, UBND tỉnh sẽ có cuộc làm việc giữa các ngành với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trở lại trong thời kỳ hậu COVID-19.
Nguồn: Tepbac.com