Công Ty TNHH Thuỷ Sản Tâm Việt

Ngày đăng: 21/11/2024

Kháng sinh: Khi nào cần, khi nào không?

Kháng sinh: Khi nào cần, khi nào không?

Tôm thẻ chân trắng. Ảnh: mongabay

Câu hỏi đặt ra cho người nuôi thuỷ sản đó là, mục đích của việc dùng kháng sinh lần này, đợt này là gì? Bà con phòng bệnh, hay trị bệnh?

Không dùng kháng sinh để phòng bệnh

Nếu bà con dùng kháng sinh phòng bệnh, có nhiều biện pháp khác tối ưu hơn, không cần thiết sử dụng kháng sinh. Phòng bệnh thông qua cải tạo, xử lý ao, hồ, nước nuôi, đúng hoá chất, đúng liều, đúng quy trình, tuần tự đầy đủ từng công đoạn xử lý, đảm bảo thời gian xử lý cần thiết. 

Trước hết, yêu cầu đầu tiên của phòng bệnh là chọn giống tốt, giống chất lượng, giống có thương hiệu để thả nuôi. Mật độ thả nuôi hợp lý với điều kiện ao, hồ, khả năng nắm bắt kỹ thuật, công nghệ, khả năng tài chánh, kích cỡ giống đảm bảo... 

Chọn tôm giống tốt ngay từ ban đầu là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh.

Phòng bệnh là sử dụng thức ăn, với kích cỡ viên, hàm lượng đạm, phù hợp đặc tính sinh học dinh dưỡng của cá, tôm, từng độ tuổi, trọng lượng, giai đoạn phát triển. Quản lý việc cho ăn dựa trên trọng lượng thực tế, tỷ lệ sống hiện tại cá, tôm trong ao nuôi, đảm bảo đủ liều lượng, đúng thời gian, tần suất cho ăn hợp lý, tránh dư thừa, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường nuôi. 

Phòng bệnh là chủ động quản lý các thông số môi trường ổn định như pH, kiềm, cứng, hàm lượng oxy, khí độc như NO2, NH3, H2S, tảo …trong phạm vi thích hợp với tôm, cá. Hạn chế các thông số trên biến động, vượt ngưỡng chịu đựng của vật nuôi. Phòng bệnh là việc chủ động, định kỳ, loại bỏ mầm bệnh, giảm thiểu nguy cơ gây bệnh cho cá, tôm, trong ao, hồ nuôi. 

Chủ động điều tiết mật độ tảo, loại bỏ chất hữu cơ, thay nước mới, tăng cường sức khoẻ cá, tôm nuôi, thông qua các hoá chất, dinh dưỡng bổ xung, hỗ trợ miễn dịch, tăng đề kháng, giảm stress. 

Dùng kháng sinh điều trị bệnh: Không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm

Về nguyên tắc sử dụng kháng sinh, để việc điều trị bằng kháng sinh đạt hiệu quả, việc lập kháng sinh đồ là cần thiết, nhằm xác định kháng sinh có hiệu quả với chủng gây bệnh cụ thể. 

Đĩa petri được cấy khuẩn. Ảnh: dentistry

Trên thực tế, người nuôi tôm, cá, dùng kinh nghiệm phán đoán, căn cứ một số biểu hiện lâm sàng hoặc sử dụng kháng sinh theo cảm tính. Đây sẽ là hạn chế rất lớn nếu sử dụng kháng sinh nhưng không nắm rõ cơ chế tác dụng của thuốc. 

Mục tiêu của việc phối hợp kháng sinh là mở rộng phổ kháng khuẩn, trị bệnh trong trường hợp nhiễm trùng kết hợp, cần tác động hiệp lực, loại trừ nguy cơ xuất hiện chủng gây bệnh đề kháng thuốc, đạt được tác dụng điều trị. Phối hợp kháng sinh hợp lý làm tăng khả năng điều trị bệnh thành công. 

Ngược lại, kết hợp kháng sinh vô tội vạ gây ra hiện tượng kháng kháng sinh trên vật nuôi làm tác dụng của thuốc bị kiềm hãm, không đạt được mục tiêu trị bệnh. 

Phối hợp kháng sinh và những nguyên tắc phải tuân thủ

Sử dụng phối hợp kháng sinh có vị trí tác động khác nhau, cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, cần phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định: Phối hợp 2 kháng sinh sát khuẩn ví dụ Gentamicin với Amoxicillin, kháng sinh kìm khuẩn với kháng sinh sát khuẩn, hoặc 2 kháng sinh kìm khuẩn ví dụ Trimethoprim với Sulfamethoxypyridazine… cho hiệu quả cao. 

Căn cứ tình trạng sức khoẻ cá, tôm để chọn kháng sinh phù hợp. Chỉ dùng kháng sinh kìm khuẩn trong trường hợp cơ thể vật nuôi còn khoẻ, vì thuốc chỉ làm vi khuẩn ngưng phát triển, yếu đi, hệ thống đề kháng của cơ thể vật nuôi sẽ làm nhiệm vụ tiêu diệt chúng. Nếu bị nhiễm khuẩn nặng, cơ thể bị suy yếu, bắt buộc phải dùng kháng sinh diệt khuẩn, rút ngắn thời gian điều trị, nâng cao cơ hội điều trị thành công. 

Tóm lại, việc lạm dụng trong sử dụng thuốc kháng sinh làm giá trị hàng hoá sản phẩm thuỷ sản khi xuất bán giảm thấp, khó tìm thị trường tiêu thụ, thương lái ép giá. Song, ngoài những khó khăn trên, việc sử dụng thuốc làm môi trường nuôi tồn lưu, ô nhiễm. Sản phẩm tôm, cá, có kháng sinh tồn lưu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng, gây ra các bệnh mãn tính, ung thư…khó khăn trong chuẩn đoán, điều trị.

Nguồn: Tép Bạc

Danh mục
Tin liên quan
Zalo
Hotline