Công Ty TNHH Thuỷ Sản Tâm Việt

Ngày đăng: 22/11/2024

Nếu ĐBSCL kiểm soát được COVID-19, xuất khẩu tôm năm 2021 dự báo tăng 12%

Nếu ĐBSCL kiểm soát được COVID-19, xuất khẩu tôm năm 2021 dự báo tăng 12%

 

Chế biến tômChế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: VASEP

Nếu vùng ĐBSCL kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 trong vòng 2 tháng nữa, xuất khẩu tôm năm 2021có thể đạt 4,2 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020, chiếm hơn 40% giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản.

2 kịch bản xuất khẩu tôm

Theo Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm nước lợ đạt 371 nghìn tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó sản lượng tôm sú đạt 113 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD.

Tổng cục Thủy sản dự báo xuất khẩu tôm nửa cuối năm sẽ tăng trưởng tốt ở các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, mục tiêu xuất khẩu đạt từ 3,8 - 4 tỷ USD.

Hiện nay, ngành tôm đang phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm khi phát triển nóng, dẫn đến lạm dụng trong sử dụng con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó thời tiết khí hậu bất thường, nguy cơ phát sinh dịch bệnh, diễn biến dịch bệnh COVID-19 và cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường đang tạo ra những bất lợi cho ngành tôm.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: "Với kịch bản lạc quan, dịch COVID-19 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được kiểm soát trong vòng 2 tháng nữa, xuất khẩu tôm năm 2021có thể đạt 4,2 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020, chiếm hơn 40% giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản.

Tuy nhiên, nếu tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất khẩu chỉ đạt dưới 4,1 tỷ USD và tăng trưởng 9%".

Ông Nam phân tích chỉ sau 2 tuần tháng 7, mọi diễn biến ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng như hai thái cực.

Trước tháng 6, các doanh nghiệp tại các vùng sản xuất, chế biến tôm chính của Việt Nam gần như chưa bị tác động nhiều dịch COVID-19. Tuy nhiên, biến thể mới của dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ĐBSCL chững lại.

Các doanh nghiệp đang rất lo lắng về tác động của dịch và mong muốn đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho công nhân, ngư dân.

Chuyên gia VASEP nhận định trong nửa cuối năm 2021, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới sẽ tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Lũy kế 4 tháng đầu năm xuất khẩu tôm đạt 198 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tôm sang Mỹ có nhiều cơ hội tăng trưởng khi nước này đã phủ sóng vắc xin, hoạt động kinh tế phục hồi.

"Lợi thế của Việt Nam là các đối thủ Ấn Độ, Trung Quốc bị tác động COVID-19 khiến xuất khẩu tôm giảm. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tranh thủ tăng thị phần. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của Thái Lan, Ecuador cũng nỗ lực cạnh tranh, giành thị phần xuất khẩu tôm sang Mỹ", ông Nam cho biết.

Dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng, tác động nguồn cung ứng, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp và những thị trường chính sẽ quy định cán cân xuất khẩu.

6 tháng đầu năm xuất khẩu tôm tăng trưởng 13% nhưng xuất khẩu tôm sú sang Trung Quốc giảm 20% do nước này tăng cường các biện pháp kiểm dịch đối với hàng nhập khẩu đặc biệt là thủy sản đông lạnh. Hiện, chưa biết khi nào thị trường này sẽ dừng kiểm dịch.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNNT Phùng Đức Tiến cho biết riêng ngành tôm, Chính phủ giao chỉ tiêu đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD. Mục tiêu năm 2021, xuất khẩu tôm đạt hơn 4 tỷ USD.

"Lĩnh vực thủy sản cần giải quyết các bất cập của ngành tôm về quy mô, sản lượng và giá thành. 

Thống nhất hành động trong 3 trục Chính phủ, doanh nghiệp, người dân xây dựng ngành tôm thành một ngành hàng lợi thế, mang lại giá trị cao nhất và có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Giá tôm giảm mạnh, thức ăn chăn nuôi vẫn cao

Theo Tổng cục Thủy sản, giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL hiện giảm do nguồn cung dồi dào và do anh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên khó khăn trong thu mua, vận chuyển.

Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg giảm 20.000 đồng/kg so với tháng trước xuống còn 250.000 đồng/kg, cỡ 40 con/kg giảm 15.000 đồng/kg xuống còn 145.000 đồng/kg.

Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 60 - 70 con/kg giảm 18.000 đồng/kg xuống còn 98.000-105.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg giảm 8.000 đồng/kg xuống còn 85.000 đồng/kg.

Ngoài Bạc Liêu, giá tôm tại tỉnh Tiền Giang cũng giảm khoảng 10%, tương đương 10.000 – 20.000 đồng/kg do từ ngày 6/7 các chủ vựa ở chợ Bình Điền thông báo dừng nhập tôm vì chợ tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19.

Trong khi giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 30 - 35% khiến người chăn nuôi đứng ngồi không yên.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản từ cuối năm 2020 đến nay tăng cao. Giá thức ăn hỗn hợp cũng thiết lập một mặt bằng mới và dự báo từ nay đến cuối năm còn khó khăn vì các chuỗi sản xuất lương thực của thế giới bị đứt gãy.

Không chỉ ở Việt Nam, tất cả các thị trường khác trên thế giới đều phải chịu đợt tăng giá, chúng ta đang vào cuộc với những yếu tố bất lợi đồng đều.

"Việt Nam có 740.000 ha nuôi tôm nhưng việc mở rộng diện để nâng cao sản lượng là rất khó. 

Do đó, muốn tăng năng suất cần phải ứng dụng công nghệ nhằm chất lượng, hạ giá thành con giống, thức ăn, kiểm soát môi trường nuôi và thú y phòng bệnh thì mới có thể cạnh tranh được với các nước có nền nuôi tôm phát triển".

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đến ngành thủy sản, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải thành lập đoàn tàu vận chuyển biển để giảm áp lực lưu thông hàng hóa và tình trạng thiếu container.

Nguồn: Tepbac.com

Danh mục
Tin liên quan
Zalo
Hotline