Những giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản
Biến đổi khí hậu với hiện tượng điển hình về xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đặt ra vấn đề bức thiết đối với nuôi trồng thủy sản (NTTS), mà chủ lực là cá tra và tôm nước lợ. Hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019-2020 đến sớm và nghiêm trọng hơn lịch sử năm 2015-2016.
Ảnh minh họa
Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang gây ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản của các tỉnh khu vực ĐBSCL, do thiếu nước ngọt để làm giảm độ mặn, tốc độ xuống giống chậm do người dân lo ngại khi nhiệt độ và độ mặn tăng cao sẽ là cơ hợi dễ phát sinh dịch bệnh và gây thiệt hại.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019-2020 đến sớm và nghiêm trọng hơn lịch sử năm 2015-2016, thời gian diễn ra từ nửa cuối tháng 12/2019 và các tháng đầu năm 2020. Trước diễn biến phức tạp của tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực các tỉnh ĐBSCL, các Bộ, ban, ngành đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm nhằm chủ động ứng phó với tình hình này. Theo đó, một số giải pháp trước mắt nhằm chủ động ứng phó cũng như giảm thiểu những thiệt hại gây ra đối với ngành nông nghiệp của khu vực ĐBSCL nói chung và lĩnh vực thủy sản nói riêng đã được khuyến cáo.
Đối với từng đối tượng nuôi, Tổng cục Thủy sản đã có công văn chỉ đạo ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn gửi tới các địa phương, với những giải pháp cụ thể như sau:
Đối với nuôi tôm nước lợ, tăng cường công tác quan trắc môi trường, cập nhật thông tin để có giải pháp và kế hoạch sản xuất phù hợp. Có giải pháp tích trữ nước phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Tiến hành gia cố bờ, cống để tránh hiện tượng rò rỉ, thẩm lậu, có ao lắng đúng quy cách, thực hiện biện pháp an toàn sinh học trước khi thả tôm và trong quá trình nuôi bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước để đảm bảo sức khỏe tôm nuôi và giữ môi trường bền vững, hạn chế mất nước và thay nước khi môi trường nuôi ổn định.
Phổ biến, hướng dẫn người nuôi lựa chọn giống tôm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt; thực hiện ương (gièo) giống trước khi thả nuôi thương phẩm; chỉ thả giống khi nhiệt độ nước dưới 300C (sáng sớm hoặc chiều mát); thả nuôi với mật độ hợp lý tùy theo các hình thức nuôi.
Đối với ao nuôi thâm canh, bán thâm canh: duy trì mực nước trong ao tối thiểu 1,3-1,5m, nếu cần cấp bổ sung nước thì phải lấy nước từ ao lắng, xử lý trước khi cấp vào ao nuôi. Đồng thời chạy quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tăng cường oxy và không để thiếu oxy cục bộ. Duy trì các yếu tố môi trường hợp lý (độ mặn 10-25 phần nghìn; O2: >3mg/l; pH: 7,5-8,5; Độ kiềm: 80 – 150mg/l…). Cung cấp lượng thức ăn hợp lý theo kích cỡ và mật độ, giảm 15-30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng; định kỳ 15 ngày/lần bổ sung vitamin C, các khoáng vi lượng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm, thời gian mỗi đợt từ 5 - 7 ngày để tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ, từ 10 - 15 ngày/lần sử dụng các loại chế phẩm để xử lý nước và đáy ao nuôi, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Đối với nuôi Nghêu/Ngao trong bãi triều, cần tăng cường công tác quan trắc môi trường, cập nhật thông tin để có giải pháp và kế hoạch sản xuất phù hợp.
Chỉ thả nuôi trong vùng có điều kiện môi trường thích hợp cho sinh trưởng và phát triển như: gần cửa sông (bổ sung dinh dưỡng), bằng phẳng, độ dốc thấp và ít sóng gió; thời gian phơi bãi không quá 4 - 5 giờ/ngày; độ mặn thích hợp từ 15-25 phần nghìn... Khuyến cáo người dân không thả giống vào thời điểm thời tiết không thuận lợi từ tháng 1 – 3 âm lịch. Không nên thả quá dày. Mật độ thả từ 180 – 200 con/m2; cỡ giống nuôi từ 400 – 600con/kg;
Cần phải theo dõi tình hình biến động của thời tiết và môi trường nước (nhiệt độ, độ mặn...), theo từng vùng, từng khu vực nhằm sớm phát hiện các biến động bất thường để có giải pháp phù hợp như: san thưa (chỉ san thưa khi cần thiết, thực hiện khi thủy triều xuống và hoàn thành trước khi phơi bãi) không thực hiện lúc bãi khô hoặc nhiệt độ cao, di dời đến vùng an toàn hoặc thu hoạch khi đạt kích thước thương phẩm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Cần có biện pháp khai thông các vùng đọng nước để tránh hiện tượng đọng nước cục bộ, gây nhiệt độ tăng cao vào buổi trưa làm nghêu/ngao chết. Nếu phát hiện nghêu/ngao chết trên bãi, lập tức thu gom để tránh ảnh hưởng sang các cá thể còn sống.
Đối với nuôi thủy sản nước ngọt, tăng cường công tác quan trắc môi trường, cập nhật thông tin để có giải pháp và kế hoạch sản xuất phù hợp.
Chủ động lấy nước ngọt vào ao chứa để dự trữ đồng thời giám sát, chỉ đạo và hướng dẫn người nuôi có kế hoạch thả giống phù hợp, không nên thả giống vào thời điểm khô hạn và bị xâm nhập mặn.
Theo dõi, quản lý môi trường ao nuôi chặt chẽ, đặc biệt là quản lý thức ăn, trong khẩu phần ăn cần bổ sung thêm các Vitamin, khoáng chất…để tăng sức đề kháng; tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, góp phần hạn chế việc thay nước thường xuyên.
Đối với nuôi cá tra, cá lăng nha, khi độ mặn có khả năng tăng cao trên 8 phần nghìn và kéo dài 5 - 7 ngày thì hạn chế cho ăn, có kế hoạch tiến hành di dời cá nuôi đến vùng nuôi an toàn. Chủ động thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích thước thương phẩm ngay khi thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra.
Đối với lĩnh vực thủy sản, hiện nay, trước tình hình diễn biến xâm nhập mặn xâm nhập sâu, giải pháp cơ bản để phát triển diện tích nuôi thích ứng với điều kiện hạn, xâm nhập mặn là thực hiện tốt quy hoạch, triển khai kế hoạch mùa vụ và quản lý vùng nuôi, tăng cường công tác quan trắc môi trường và phòng chống dịch bệnh. Song song với việc rà soát quy hoạch, các Bộ, ngành cần xem xét đẩy mạnh các dự án thủy lợi phục vụ cho NTTS.
Để thích ứng với tình hình xâm nhập mặn vùng ĐBSCL thì giải pháp lâu dài là phải rà soát lại quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, cấp nước sinh hoạt.
Sắp xếp ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng các cống kiểm soát mặn, nạo vét hệ thống kênh mương, đắp bờ bao, củng cố đê biển. Tăng cường cấp nước ngọt cho các khu vực NTTS của các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu bằng việc vận hành các công trình thủy lợi nạo vét kênh mương, đắp đập tạm để trữ nước.
Về lâu dài các giải pháp công nghệ, cần nghiên cứu nuôi tôm, cá tra bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước nhằm hạn chế sử dụng nước suốt mùa khô với việc thả cá giống kích cỡ lớn. Trong trường hợp cần thiết, có thể thay một lượng nhỏ nước nhiễm mặn không làm tăng độ mặn trong ao đáng kể.
Nguồn: Tổng cục thủy sản