Tác dụng của cây chó đẻ thân xanh trong nuôi trồng thủy sản
Cây chó đẻ thân xanh có nhiều tác dụng trong nuôi trông thủy sản
Tính kháng khuẩn và tăng cường đáp ứng miễn dịch của cây chó đẻ thân xanh trong nuôi trồng thủy sản.
Khả năng kháng khuẩn cây chó đẻ thân xanh
Trong cây chó đẻ thân xanh (Phyllanthus amanus) có chứa một số nhóm hợp chất như:
- Nhóm ankaloid (có các chất được tìm thấy như Isobubbialine, epibubbialine, phyllanthine, securinnie, norsecurinine)
- Nhóm phenolic (gồm: ellagitanin, hydrolysable tannin, proantho cyanidin, flavan-3-ol, shikimic (3, 5-O-gallat) acid).
- Nhóm flavonoid và các acid khác (cụ thể là amariinic acid, thiobarbituric acid, ascorbic acid (vitamin C), vv.
Nhiều báo cáo khoa học cũng đã chỉ ra rằng hợp chất phenolic và flavonid có hoạt tính kháng khuẩn cao, sử dụng nồng độ phenolic tổng, flavonid tổng như một tiêu chí để xác định hoạt tính kháng khuẩn ở các thử nghiệm xác định hiệu quả của các loại dịch chiết từ thân hoặc từ lá cây chó đẻ.
Các hợp chất phenolic từ các cây khác nhau có hoạt tính kháng khuẩn chống lại các vi sinh vật khác nhau. Khi so sánh kết quả kháng sinh đồ (đo đường kính vòng vô khuẩn), ở nghiệm thức dịch chiết từ cây với nồng độ 1000 mg/mL có đường kính vòng kháng khuẩn đối với Vibrio parahaemolyticus là 21,4 mm; ở nghiệm thức doxycylin nồng độ 30 µg/mL có đường kính kháng sinh đồ là 19,8 mm; nghiệm thức ampicilin nồng độ 10 µg/mL có đường kính kháng khuẩn là 0 mm.
Đường kính vòng kháng khuẩn của dịch chiết từ chó đẻ thân xanh tăng dần theo sự tăng nồng độ dung dịch. Với nồng độ dịch chiết là 250 mg/mL thì đường kính vòng kháng khuẩn là 16,6 mm; tương tự với nồng độ 500 mg/mL là 18,2 mg/mL; với nồng độ 750 mg/mL là 20,6 mm; cao nhất là ở nồng độ 1000 mg/mL 21,4 mm.
Khả năng ức chế và tiêu diệt Vibrio sp và V.parahaemolyticus gây bệnh AHPND trên tôm thẻ
Điều này được thể hiện qua tỷ lệ MBC/MIC (Minimum bactericidal concentration/ Minimum inhibitory concentration- nồng độ tiêu diệt tối thiểu/ nồng độ ức chế tối thiều), nếu tỷ lệ này nhỏ hơn hoặc bằng 4 thì dịch chiết có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, mặt khác nếu tỷ lệ này lớn hơn 4 thì dịch chiết chỉ có tác dụng ức chế vi khuẩn.
Các thí nghiệm đã chứng minh rằng MIC và MBC của dịch chiết từ cây đối với V.parahaemolyticus lần lượt là 125 mg/mL; 500 mg/mL, nghĩa là tỷ lệ MBC/MIC bằng 4. Tương tự với Vibrio sp, MIC và MBC lần lượt là 62,5 mg/mL; 250mg/mL, tỷ lệ MBC/MIC bằng 4.
Tăng cường khả năng đáp ứng miễn dịch trên cá tra (Pagasionnodon hypothalmus)
Khác với tôm, trong cơ thể cá tồn tại một hệ miễn dịch. Vì thế gần đây có rất nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của các tinh chất thảo dược lên hệ miễn dịch của cá nhằm tăng cường sức đề kháng chống lại vi khuẩn gây hại và các tác nhân gây stress. Các hợp chất phenolic là các hợp chất chuyển hóa thứ cấp của thực vật có tác dụng tích cực đối với sức khỏe con người vì chúng có hoạt tính chống oxi hóa.
Ở nghiên cứu khác, nhóm phenolic và flavonid là những hợp chất có khả năng chống oxi hóa nổi trội nhất ở thực vật và là những hợp chất chống oxi hóa rất mạnh, được chứng minh là mạnh hơn vitamin C, vitamin E, carotenoid . Kết quả nghiên cứu của cho thấy khi bổ sung dịch chiết từ cây chó đẻ thân xanh sau 24h thì hoạt tính ROS (Reactive oxigen species- Các dạng oxi phản ứng mạnh) và chỉ số tổng kháng thể bạch cầu Ig (hình 2) của cá tra tăng đáng kể so với nghiệm thức đối chứng.
ROS bao gồm các gốc tự do và một số phân tử đặc biệt mà trong cấu trúc có chứa nguyên tử oxi có khả năng tham gia phản ứng oxi hóa mạnh. Khi các tác nhân xâm nhập vào cơ thể, sẽ bị bạch cầu đa nhân trung tính bắt giữ, đồng thời kích hoạt bạch cầu đa nhân trung tính tăng sử dụng oxi. Khi bắt đầu thực bào, các tế bào này sử dụng một lượng lớn oxi và giải phóng các enzyme như NADPH oxidase (NOX); nitric oxide synthase (NOS) sẽ tham gia biến đổi O2, NO, Cl- để hình thành các ROS. Các gốc ROS sẽ tấn công các kháng nguyên lạ.
Còn đối với kháng thể Ig là một glycoprotein miễn dịch limmunoglobulin-Igi được tạo ra từ tế bào lympho B (chủ yếu là tương bào sản sinh kháng thể có nhiệm vụ “bắt giữ” kháng nguyên, có khả năng kết hợp với kháng nguyên đã kích thích sinh ra nó. Kháng thể có 5 loại cơ bản là: IgG, IgA, IgM, IgD, IgE. Chúng có chức năng chung là kết hợp với kháng nguyên, ngưng kết vi khuẩn, trung hòa ngoại độc tố, bảo vệ cơ thể.
Như vậy tiềm năng ứng dụng dịch chiết từ cây chó đẻ thân xanh vào phòng và trị bệnh cho động vật thủy sản là rất lớn, đặc biệt là trong trị bệnh do vi khuẩn Vibrio sp gây ra. Và có thể sử dụng dịch chiết kết hợp với chế phẩm EM để cho hiệu quả tốt hơn.
Theo Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ; Tập 54.
Nguồn: Tép Bạc