Thủy sản nhen nhóm hy vọng vượt đáy?
Trong thời điểm này, một chút ánh sáng le lói cũng mang đến hy vọng cho ngành thủy sản. Ảnh: Hoàng Vủ.
Trong số những ngành xuất khẩu chính của Việt Nam, thủy sản được xem là một trong những lĩnh vực mũi nhọn và được xem sẽ hưởng lợi lớn trong bối cảnh nhu cầu thế giới đang dần hồi phục hồi hậu COVID-19.
Những khó khăn vẫn còn tồn tại
Giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 8 chỉ đạt khoảng 520 triệu USD - giảm tới 36% so với cùng kỳ năm 2020 sau hơn một tháng hoạt động trong hoàn cảnh giãn cách xã hội và phương thức sản xuất “3 tại chỗ”, theo thống kê của VASEP.
Sản xuất và chế biến các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu như cá tra, tôm lại tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, khu vực vẫn đang gặp thách thức với sản xuất “3 tại chỗ.” Với số lượng lớn các nhà máy phải đóng cửa, tình hình xuất khẩu sẽ khó cải thiện trong tháng tới.
Diễn biến dịch bệnh căng thẳng khiến ngành thủy sản chới với. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Ngọc Điền.
Diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn đang căng thẳng ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở TP. HCM và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương trong khi việc triển khai tiêm vaccine cho lực lượng công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn còn hạn chế và không đồng đều. Với thực trạng đó, bức tranh sản xuất và xuất khẩu thủy sản tháng 9 này sẽ vẫn ảm đạm.
Liệu rằng trong nguy sẽ có cơ chăng?
Trong một buổi tọa đàm trực tuyến gần đây, ông Bùi Tiến Đức – Chuyên gia tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng thủy sản vẫn sẽ là một ngành tiềm năng cho giai đoạn quý 4/2021 cũng như kéo dài sang cả năm 2022, nhờ vào tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất đến hàng loạt quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Có thể nói rằng ngành thủy sản trong năm 2020 gần như đã chạm gần đáy. Nhìn lại quý 2/2020, khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát và lây lan trên toàn cầu, khi đó kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã sụt giảm, cộng thêm sự mất cân đối khi cung vượt quá cầu trong năm 2019 trước đó.
Tuy nhiên, điều này lại có thể mang ý nghĩa là "trong nguy có cơ" - ông Đức chia sẻ. Theo đó, từ giai đoạn quý 3/2020 đến nay, khi các thị trường lớn bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách và hồi phục nhu cầu, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong các quý gần đây đều đạt mức tăng trưởng dương, đặc biệt trong quý 2/2021 đã tăng trưởng tới hơn 20% so với cùng kỳ và cho thấy ngành đang bắt đầu vượt đáy.
Người nuôi tôm cá cũng mong giá bán "vượt đáy". Ảnh: Job Tôm.
Ngoài việc nhu cầu từ các thị trường lớn phục hồi, một yếu tố tạo nên sức bật khác cho ngành thủy sản Việt Nam đến từ việc giá cá tra và giá tôm cũng bắt đầu tạo đáy và đi lên. Biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp thủy sản niêm yết đã được cải thiện lên mức 14,4% trong quý 2/2021. Trong bối cảnh chi phí đầu vào, cước vận tải tăng cao trong nửa đầu năm 2021, việc lợi nhuận cải thiện cho thấy các doanh nghiệp thủy sản có khả năng chuyển giá vào tay người tiêu dùng cuối cùng, từ đó đảm bảo cho nguồn doanh thu cũng như khuếch đại lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Triển vọng ngắn hạn trong một vài tháng tới đây, các doanh nghiệp thủy sản vẫn đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn về chi phí gia tăng cho công nhân cũng như vấn đề giảm công suất sản xuất. Trong tháng 8 và tháng 9, áp lực tăng chi phí sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp – theo quan điểm của chuyên gia đến từ Mirae Asset.
Hiện tại, khi các nền kinh tế lớn đã dần phục hồi sau đại dịch, nhu cầu đối với ngành thủy sản sẽ tăng trở lại và đảm bảo sự tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong cuối năm 2021 và cả năm 2022.
Nguồn: Tepbac.com