VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA AO LẮNG TRONG NUÔI TÔM
Ao lắng là một phần rất quan trọng trong hệ thống nuôi tôm thâm canh. Kỹ thuật nuôi tôm hiệu quả luôn phải gắn liền với việc đầu tư, xây dựng , xử lý tốt ao lắng. Công dụng ao lắng từ lâu như nhiều người biết là diện tích đào sâu để dự trữ , lắng nước cấp vào ao nuôi. Nhưng do sự phát triển ngày càng rộng rãi của các dòng sản phẩm xử lý nhanh cho ao ,nên rất nhiều hộ nuôi đã lãng quên đi tầm quan trọng của ao lắng hoặc cũng có nhiều người chưa hiểu thấu đáo tầm ảnh hưởng của nó đến thành quả vụ nuôi.
( Hình: Ao lắng chạy quạt)
Tại sao ao lắng cần thiết trong hệ thống ao nuôi:
Bất kể là đối với nguồn nước cấp vào ao nuôi là nước ngầm hay nước sông thì luôn hiện diện những nguy cơ gây bất lợi cho tôm nuôi. Vai trò chính của ao lắng trước tiên là hạn chế được những yếu tố bất lợi này:
- Đục phù sa , hữu cơ : là vấn đề hay gặp phải trong quá trình nuôi, việc xử lý nước đục khá tốn kém và khó khăn, nếu lạm dụng lắng tụ sẽ gây hại cho sức khỏe tôm. Việc đầu tư ao lắng giúp chủ động cấp nước thường xuyên làm giảm nước đục hiệu quả nhất mà không cần sử dụng quá nhiều lắng tụ
- Khí độc hòa tan tồn tại hàm lượng rất cao trong nước ngầm như H2S, CH4, NH3,… Do nước nằm sâu dưới lòng đất trong thời gian dài . Các khí độc này có thể gây sốc chết tôm hoặc hao hụt nhiều khi thả tôm. Việc xử lý để giảm hàm lượng những khí độc này cần một hảng thời gian để bốc hơi, oxi hóa, và được vi sinh chuyển hóa thành dạng không độc. Vì vậy rất nguy hiểm nếu cấp nước ngầm trực tiếp châm vào ao nuôi. Ao lắng có thể xử lý khí độc bằng cách chạy quạt cách ly 7-10 ngày đồng thời dùng vi sinh để chuyển hóa .
- Kim loại nặng có thể tìm thấy rất dễ dàng trong tự nhiên, và hiện diện ở mức ao trong nước thải công nghiệp. Nó là một chỉ tiêu biểu thị mức độ ô nhiễm trong đất và nước , kim loại nặng không thể tự phân hủy được trong tự nhiên nhưng có thể được hấp thụ bởi các vi sinh vật có lợi hoặc bị lắng tụ bằng các phương pháp cơ học hay hóa học. Kim loại nặng có thể gây nguy hiểm cho con người và cả vật nuôi. Ở hàm lượng hòa tan cao trong nước kim loại nặng có thể gây sốc, chết tôm. Hàm lượng thấp hơn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự tăng trưởng của tôm nuôi. Hoặc có thể gây tồn lưu trong cơ thể tôm nuôi gây độc cho người tiêu dùng.
- Độc tố hóa chất : Các loại thuốc trừ sâu, chất diệt ốc hến,chất diệt khuẩn…có thể gây hại cho tôm nuôi, những hóa chất này tồn tại nồng độ cao chủ yếu ở nguồn nước từ các kênh rạch nhỏ, do một số hộ nuôi xả nước thải trong ao trực tiếp ra môi trường. Hơn nữa khi cấp nước trực tiếp từ kênh vào ao xử lý có thể chứa nhiều loại hóa chất độc hại có khả năng tạo phức thành chất khác có độc tính mạnh hơn cho tôm
- Các mầm bệnh ( virus, vi khuẩn, kí sinh trùng,..) hiện diện trong nguồn nước sông có thể do nguyên nhân từ nước thải của những ao nuôi lân cận, vì vậy ẩn chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm như bệnh đốm trắng, phân trắng, hoại tử gan tụy,…
- Hiện tượng thiếu oxi, khí độc cao khi tôm lớn: phải xử lý với lượng lớn vi sinh có lợi nhưng lại không triệt để. Việc chủ động thay nước cho ao tôm lớn là hết sức cần thiết, quyết định năng suất và hiệu quả khi về ao tôm đến giai đoạn về đích.
Do đó ao lắng có vai trò quan trọng trong việc xử lý triệt để các mầm bệnh trong nguồn nước và quản lý chặt các rủi ro xảy ra bệnh trong quá trình nuôi.
Sử dụng ao lắng thế nào?
- Lắng lọc thông thường:
Ao lắng thường được sử dụng như một ao trữ nước thông thường. Nước trong ao lắng được cấp qua túi lọc và xử lý ban đầu qua các bước như: Chạy quạt cách ly _ Giải độc, Khử phèn , kim loại nặng _ Diệt khuẩn, tạp, sau đó mới cấp nước vào ao nuôi. Thời gian chạy quạt cách ly trong ao lắng thừơng chạy trong khoảng 7-10 ngày , với mục đích tăng oxi hòa tan, đẩy nhanh quá trình oxi hóa các khí độc, kích thích trứng và ấu trùng trưởng thành sau đó cho diệt khuẩn, diệt tạp có thể hạn chế triệt để địch hại và mầm bệnh.
- Ao lắng sinh học:
(Hình: Bơm nước thải ao nuôi vào ao lắng lọc sinh học)
Ngoài chức năng trữ nước , ao lắng được sử dụng làm ao nuôi cá rô phi . Bằng cách tận dụng tập tính ăn lọc của cá rô phi, ta có thể thả nuôi trong ao lắng với mật độ 4-5 con /m2 và không cho ăn. Lấy nước thải ao nuôi làm thức ăn cho cá. Ưu điểm của cá rô phi là có khả năng sử dụng phân tôm ,tảo độc trong nước thải làm dinh dưỡng và sản sinh ra hệ sinh thái tốt gồm tảo có lợi và vi sinh vật có lợi. Có thể áp dụng thay nước 1 lần/tuần, mỗi lần thay 20% .
Ngoài ra cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy việc thả cá rô phi vào những ao chứa nước thải cũng góp phần tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian, chi phí xử lý nước thải trước khi thải ra ngoài môi trường.
Bích Ngọc (Tổng hợp)
Phòng kỹ thuật _ Công ty TNHH Thủy Sản Tâm Việt
Bài viết thuộc tài sản của Công ty TNHH Thủy Sản Tâm Việt. Mọi trích dẫn phải ghi rõ nguồn Công ty TNHH Thủy Sản Tâm Việt.