Những lưu ý về kiểm soát chất lượng môi trường nước nuôi tôm

11/07/2022

Môi trường nước sẽ bị ảnh hưởng với các yếu tố vật lý và hoá học khác nhau. Bà con cần đặc biệt lưu ý các yếu tố sau:

– Hàm lượng oxy trong nước:

Hàm lượng oxy hòa tan trong nước tốt nhất là ở mức > 4mg/l. Nếu hàm lượng oxy trong nước nhỏ hơn mức này thì hiệu quả sử dụng thức ăn bắt đầu giảm dù tôm vẫn ăn bình thường. Điều này dẫn tới việc làm tăng các tác nhân gây bệnh cho tôm, tôm chậm lớn.

Trường hợp xấu xấu là tôm chết sẽ xảy ra khi hàm lượng oxy hòa tan trong nước < 1mg/l.

– Chất thải lắng tụ trong nước:

Chất thải lắng tụ trong nước có thể sẽ là nguyên nhân cho rất nhiều vấn đề của ao nuôi tôm. Bà con cần chú ý giữ nền đáy ao tốt.

Đối với tôm nuôi thâm canh, bà con cần gom chất thải vào giữa ao trong thời gian nuôi và vệ sinh ao triệt để sau mỗi vụ nuôi. Chất thải được thu gom trên đáy ao và được dẫn ra ngoài bằng đường ống.

– Thực vật phù du trong nước:

Thực vật phù du có trong môi trường nước ao nuôi có những tác dụng có lợi cho ao nuôi của bà con. Chúng có thể giúp giảm ánh sáng trong ao nuôi, ngăn cản tảo đáy ao phát triển, tạo oxy trong nước, ổn định nhiệt độ, ảnh hưởng đến độ pH. Khi phát triển mạnh chúng sẽ sử dụng đạm và lân, làm giảm tích độc của các chất hữu cơ có Nitơ như NH3 và NO2.

Tuy nhiên, bà con cần lưu ý nếu thực vật phù du phát triển quá mức (độ trong < 25cm) sẽ làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước. Lúc này bà con cần phải xử lý ngay bằng cách:

  • Thay nước 2 – 3 ngày/lần (nếu có điều kiện).
  • Diệt bớt tảo bằng hóa chất 4 – 5 ngày/lần.
  • Sử dụng H2O2 liều dùng 3 – 5 ml/m3 hoà tan với nước rồi rải đều trên mặt ao vào lúc 9 – 10 giờ sáng.

– Bổ sung men vi sinh trong quá trình nuôi:

Để ao nuôi duy trì được môi trường sống tốt nhất cho tôm, bà con không nên bỏ qua việc bổ sung men vi sinh trong quá trình nuôi.

Việc bổ sung men vi sinh sẽ giúp:

  • Quản lý màu nước ao nuôi tôm. Duy trì màu nước ao ổn định, độ trong đạt 30 – 40 cm là tốt nhất, giữ môi trường không để tảo chết đột ngột, hạn chế bệnh xảy ra với tôm.
  • Giúp phân huỷ làm giảm phân tôm, thức ăn dư thừa, các chất độc hại.
  • Giảm tần suất nạo vét đáy ao
  • Phòng ngừa và giảm hình thành các khí H2S, Amonia và các khí độc hại trong nước.
  • Tạo môi trường tốt và giữ cân bằng sinh thái ao nuôi, giúp tôm tăng sức đề kháng, phát triển nhanh và chất lượng thịt tốt hơn.
BÌNH LUẬN

Bài viết khác

X