PHÈN SẮT TRONG AO NUÔI TÔM

08/10/2021

Phèn sắt là gì

  • Phèn sắt là một muối kép của sắt (III) sunfate kết hợp với muối sunfat của một kim loại kiềm hay anion.
  • Công thức chung: MI FeIII(SO4)2.12H20

Tại sao phèn có trong ao nuôi tôm

Phèn có trong ao nuôi tôm là do sắt trong nước thường tồn tại dưới dạng Fe2+ và Fe3+. Bên cạnh đó, phèn tiềm tàng trong đất tồn tại ở dạng pirit sắt (FeS2) nên trong ao lúc nào cũng có sự hiện diện của sắt. Trong ao nuôi thủy sản, khi hàm lượng sắt hòa tan cao thì phèn sẽ xuất hiện trong ao nuôi thủy sản.

Đất phèn tiềm tàng

Đất phèn tiềm tàng là đất thuộc nhóm phù sa phèn và được hình thành trong vùng chịu ảnh hưởng của nước có chứa nhiều sulfate. Trong điều kiện yếm khí cùng với hoạt động của vi sinh vật thì sulfate bị khử để tạo thành lưu huỳnh và chất này sẽ kết hợp với sắt có trong trầm tích để tạo thành FeS2. Thành phần khoáng vật của đất phù sa phèn vùng nhiệt đới có thể rất đa dạng và phụ thuộc chủ yếu vào nguồn gốc của vật liệu phù sa.

Hình 1. Ao nuôi tôm bị nhiễm phèn sắt nặng (nước có màu vàng sậm hoặc nâu đỏ)

Chu trình của phèn sắt trong đất

Hình 2. Chu trình của phèn sắt trong đất ao nuôi thủy sản

Một số ảnh hưởng của phèn sắt đến ao nuôi

  • Phèn có trong ao với hàm lượng cao làm cho tảo khó phát triển nên rất khó gây màu nước.
  • Đất bị phèn có pH thấp, hàm lượng Canxi không cao, ảnh hưởng đến quá trình cân bằng áp suất thẩm thấu và tạo vỏ cho tôm.
  • Phèn cao dẫn đến pH thấp ảnh hưởng đến các yếu tố môi trường như kiềm, khuẩn, tảo,…
  • Chi phí của vụ nuôi sẽ tăng lên nếu ao bị nhiễm phèn sắt.

Một số ảnh  hưởng của phèn sắt đến tôm nuôi

  • Phèn sắt cao làm tôm bị mềm vỏ, lột xác không hoàn toàn.
  • Phèn cao sẽ ảnh hưởng xấu đến sự hoạt hóa của một số enzyme trong cơ thể tôm.
  • Phèn cao làm quá trình hô hấp của tôm tăng lên, tốn nhiều năng lượng cho quá trình hô hấp.
  • Tôm rất chậm lớn và có màu sắc kém.
  • Gây độc cấp tính cho tôm nếu nồng độ vượt mức cho phép.   

Ngưỡng kiểm soát phèn

Khi phèn trong nước > 0,3mg/L thì cần kiểm soát.

Phương pháp xác định hàm lượng phèn sắt có trong ao nuôi tôm

Sử dụng testkit của công ty uy tín.

Một số biện pháp xử lý phèn sắt trong ao nuôi

  • Bón vôi (CaCO3 hoặc CaO) để khử trùng, tăng pH và hệ đệm trong ao, liều lượng 15 - 20 kg/100 m2, vôi được rải đều xuống đáy và bờ ao.
  • Đối với ao đất phèn, nên tăng công suất của dàn quạt nước từ 25 lên 30 HP/ha và thay dàn quạt cánh bằng quạt lông nhím nhằm cung cấp đủ dưỡng khí cho tôm.
  • Lấy nước vào ao 1,2 - 1,5 m, khử trùng và bật quạt nước, đo lại pH; nếu chỉ số này vẫn thấp thì có thể lấy vôi nông nghiệp và vôi đen (dolomite) hòa loãng lấy nước tạt vào buổi đêm liều lượng 2 - 4 kg/100 m2, nếu nước bị đục và có váng phèn thì có thể dùng EDTA hoặc AQUAZEX (0,5 - 0,7 kg/100 m3 nước) để keo tụ váng phèn.
  • Cần lưu ý, sau mỗi trận mưa, nước mưa có chứa acid và lượng xì phèn trên bờ có thể trôi xuống ao làm giảm pH. Do đó, cần dùng Zeolite để keo tụ chất vẩn, sau đó sử dụng chế phẩm sinh học để khoáng hóa đáy ao, đồng thời dùng vôi dolomite hòa vào nước ngọt 24 giờ; sau đó tạt đều xuống ao lúc 8 - 10 giờ đêm, liều lượng 1,7 kg/100 m3 nước. Nên rải vôi nông nghiệp quanh bờ ao trước khi trời mưa; khi mưa to, mực nước ao nuôi lên cao, cần xả bớt nước mặt để tránh giảm độ mặn đột ngột và tràn bờ, vỡ bọng, cống, kết hợp quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nước.
  • Trời sắp mưa, cần giảm lượng thức ăn hoặc thậm chí ngừng cho tôm ăn, chờ đến khi ngớt mưa, cho ăn với số lượng giảm 30 - 50% lượng thức ăn bình thường. Nếu dư thức ăn sẽ làm cho tảo lục phát triển mạnh, pH nước ao dao động, tôm sẽ bị đóng rong.
  • Để bảo đảm sức đề kháng và tránh cho tôm bị mềm vỏ, có thể trộn men vi sinh, khoáng chất và Vitamin C vào bữa chính cho tôm ăn mỗi ngày. Từ tháng nuôi thứ 2 trở đi, cần vận hành quạt khí liên tục để cung cấp đủ dưỡng khí cho tôm nuôi, ổn định pH trong ao bằng vôi nông nghiệp và dolomite. Sau 2 tháng, có thể xi phông chất thải dưới đáy ao do quạt nước gom tụ lại, tạo điều kiện thuận lợi cho tôm phát triển tốt.

________________________________________________________________________________

Biên tập & Hình ảnh: Phòng Nghiên cứu và Dịch vụ kỹ thuật - Công ty TNHH Thủy Sản Tâm Việt

BÌNH LUẬN

Bài viết khác

X